Gian nan hành trình phát triển thể thao phong trào

23/08/2023 | 18:07 GMT+7

Trải qua gần 20 năm gầy dựng và phát triển, thể thao phong trào ở Hậu Giang đã vượt qua những bước thăng trầm, đầy khó khăn, thử thách để vươn lên ổn định.

Trung bình mỗi năm có khoảng 10-15 giải thể thao cấp tỉnh tổ chức.

Cơ sở vật chất dần hoàn thiện

Năm 2004, khi mới thành lập tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho hoạt động thể dục thể thao (TDTT) lúc bấy giờ còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn. Dưới sự chủ động, sáng tạo trong điều hành, ngành đã bắt tay vào ổn định tổ chức, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT. Tăng cường đầu tư xây dựng sân bãi, công trình thể thao từ tỉnh đến cơ sở nhờ ngân sách nhà nước lẫn xã hội hóa, đem lại hiệu quả hoạt động khả quan.

Những ngày đầu mới thành lập tỉnh, số lượng sân bãi thể thao ít, mang tính chất tạm bợ, thì đến nay tỉnh đã có trên 1.000 công trình thể thao như nhà thi đấu đa năng, sân vận động có khán đài, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân quần vợt… Giúp đăng cai, tổ chức thành công nhiều giải đấu, góp phần giới thiệu hình ảnh Hậu Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhớ lại: “Thời điểm đó, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT của tỉnh chủ yếu phân tán ở các huyện, thị và đa số là sân tạm bợ. Kinh phí phục vụ huấn luyện, đào tạo gặp khó nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của ngành, quan tâm từ các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất dần hoàn thiện, thuận lợi trong việc tổ chức giải, đã giúp thể thao gần hơn với mọi người”.

Hệ thống các môn thể thao phong trào của tỉnh càng được củng cố và xây dựng mới theo sự phân cấp quản lý, giúp phát triển, khai thác tối đa thế mạnh, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, đối tượng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện, thi đấu. Ngành còn thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cộng tác viên, đáp ứng tốt công tác tổ chức, điều hành giải chuyên nghiệp, chính xác.

Điểm nhấn nổi bật

Trong tiến trình phát triển thể thao phong trào Hậu Giang những năm qua, việc tổ chức Đại hội TDTT 3 cấp thành công, ngày càng nâng cao chất lượng được xem là điểm nhấn nổi bật. Nhớ lại năm 2006, vượt qua mọi khó khăn, lần đầu tiên Sở TDTT tỉnh tiến hành tổ chức Đại hội TDTT tỉnh Hậu Giang, với 18 môn thu hút trên 2.300 vận động viên, đại diện cho 7 huyện, thị và lực lượng công an, quân sự trong tỉnh thi đấu. Dấu mốc này đã đưa Đại hội TDTT tỉnh Hậu Giang trở thành sự kiện thể thao có ý nghĩa quan trọng, được duy trì tổ chức định kỳ 4 năm/lần.

Qua các kỳ Đại hội TDTT, phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển rộng khắp trên địa bàn từ nông thôn đến thành thị, mở ra cơ hội tìm kiếm và phát hiện các vận động viên có năng khiếu để tập trung vào đội tuyển, đội trẻ, góp phần thúc đẩy TDTT tỉnh nhà ngày một đi lên.

Ông Nguyễn Sơn Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Chúng tôi tổ chức Đại hội TDTT cấp xã, phường, thành phố tùy vào thế mạnh địa phương, hướng tới sự phong phú và đa dạng, rồi tuyển chọn lực lượng tham dự đại hội cấp tỉnh. Tập trung khai thác, đưa vào tổ chức thi đấu và duy trì thường xuyên hàng năm các giải thể thao, thông qua đó, đã dấy lên phong trào tập luyện TDTT của đông đảo người dân”.

Nhiều địa phương nhờ việc tổ chức Đại hội TDTT đã tự khắc phục những trở ngại, khó khăn khi được đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao mức hưởng thụ tinh thần cho người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển thể thao phong trào.

Mang thể thao đến gần mọi người

Việc luyện tập TDTT thường xuyên trở thành thói quen, nhu cầu không thể thiếu đối với tất cả mọi người. Mọi người tự giác chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Tôi tham gia sinh hoạt ở câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi của thị xã gần chục năm nay, thấy sức khỏe cải thiện nhiều, tinh thần vui vẻ, phấn khởi hơn. Thời gian cố định từ 5 giờ đến 6 giờ sáng mỗi ngày, với những bài tập được hướng dẫn kỹ lưỡng, có cơ hội biểu diễn ở các sự kiện thể thao lớn của thị xã. Chính thể thao đã mang lại cho tôi nhiều lợi ích tuyệt vời”.

Ngành cũng chọn một số môn thể thao phong trào thế mạnh được người dân tham gia tập luyện thường xuyên như võ cổ truyền, taekwondo, dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn… tổ chức giải tại cấp xã, huyện, tỉnh, tăng dần theo từng năm từ quy mô, số lượng đến chất lượng. Hoạt động thể thao mừng Đảng, mừng Xuân; phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, các giải gắn với ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương đã trở thành ngày hội thể thao của người dân Hậu Giang.

Trung bình mỗi năm có khoảng 10-15 giải thể thao cấp tỉnh tổ chức; các huyện, thị xã, thành phố, các khu vực, xã, phường, thị trấn, trung bình từ 5-10 giải/đơn vị. Nhờ đó, số người tập luyện TDTT thường xuyên được tăng lên hàng năm với tỷ lệ khá cao. Nếu như năm 2004, số người tập luyện TDTT thường xuyên là 15,7% dân số toàn tỉnh thì hiện tại là trên 35,64%; gia đình thể thao năm 2004 là 6,4% tổng số hộ gia đình toàn tỉnh, đến nay đạt trên 26,86% tổng số hộ gia đình toàn tỉnh; số câu lạc bộ TDTT từ 409 câu lạc bộ năm 2004 tăng lên hơn 800 câu lạc bộ ở thời điểm hiện tại.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu tổ chức giải marathon quốc tế tỉnh Hậu Giang và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hàng năm, cũng như những giải đấu khác để lan tỏa phong trào thể thao mạnh mẽ, sâu rộng. Phấn đấu đến năm 2025, tăng tổng số người tập luyện TDTT thường xuyên lên 38% dân số toàn tỉnh; số gia đình thể thao đạt trên 28,86% tổng số hộ gia đình toàn tỉnh”. Sự lan tỏa mạnh mẽ của thể thao phong trào đã tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng nhân dân, dù thi đấu môn nào, tất cả mọi người đều hướng đến mục tiêu rèn luyện thân thể, phòng chống bệnh tật, xây dựng nếp sống văn minh và lành mạnh.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>