Vợ chồng già 80 tuổi đi bán vé số kiếm tiền chữa bệnh

10/03/2021 | 11:33 GMT+7

Ông Năm, bà Năm là cách gọi quen thuộc mà mọi người dành cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Diệp và bà Lý Thị Nga, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, cả ông bà đã gần 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn phải đi bán vé số để lo miếng cơm manh áo và có tiền chữa bệnh cho cả hai...

Ông Năm, bà Năm rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người, để vượt qua lúc khó khăn.

Gặp ông Diệp (ông Năm) vào một ngày tháng 3, lúc này ông đang chăm sóc bà Nga (bà Năm) ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hỏi ra được biết vào đêm 8-3, bà Năm bị co giật, cơn giật cứ tăng dần, sợ quá ông liền đưa bà vào bệnh viện lúc 3 giờ sáng. Gặp chúng tôi, ông nói như mếu: “Bà ấy lại đổ bệnh nữa rồi, tôi phải nghỉ bán một vài ngày”. Nghỉ bán đồng nghĩa với ngày hôm ấy không có tiền, rồi tiền đâu mua thức ăn để bồi dưỡng cho bà Năm, tiền đâu mua gạo nấu cơm, hoặc một vài loại thuốc không có trong danh mục của bảo hiểm y tế... Hàng trăm thứ chi tiêu cứ lởn vởn trong đầu ông Năm.

Ông Năm quê ở tỉnh Sóc Trăng, còn bà ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nghèo khó, túng thiếu năm 1975 ông Năm cùng vợ đến thành phố Vị Thanh để mưu sinh. Ở đây, ông bà thuê căn trọ nhỏ để ở, lúc đó ông bà bán kim chỉ kiếm tiền sống qua ngày. Cách đây khoảng 3 năm, bà Năm bị xe tông trúng chân, từ đó sức khỏe yếu đi, ông bà chuyển sang nghề bán vé số mưu sinh.

Tuổi già hay ốm đau bệnh tật, ông bà luôn động viên nhau cố gắng, người ta có con cháu để nương nhờ, còn ông bà chỉ có một mình bởi 4 lần mang thai nhưng đều là ngoài tử cung nên ở tuổi “xưa nay hiếm” ông bà vẫn vất vả mưu sinh. Mỗi ngày ông Năm, bà Năm dậy từ rất sớm, khoảng gần 5 giờ thì ông bà bắt đầu đi bán. Những lúc gió bấc trời lạnh thấu xương, hay những lúc trời oi bức nóng nực, ông bà cũng không quản ngại. Ông Năm chia sẻ: “Đi bán lúc sáng sớm tôi sợ nhất là tháng gió bấc, những lúc đó, gió lạnh thấu xương, nhưng không đi sớm thì khó lòng bán hết vé số. Không bán hết một ngày thì không sao chứ vài bữa như vậy thì tiền đâu mà đóng tiền trọ, tiền đâu mua gạo, mua thuốc...”.

Tuổi cao, chịu nhiều vất vả nhưng ông không phàn nàn hay oán trách, ông bảo rằng còn sức khỏe ráng mà làm. Chỉ cần ông bà chịu cực một chút, vất vả một chút thì hai vợ chồng già sẽ có bữa cơm no lòng. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, nào ngờ cách đây hơn năm, ông thấy bụng mình chướng lên, khó thở, mọi người liền đưa ông vào bệnh viện. Sau khi kiểm tra, thăm khám các thứ bác sĩ cho hay ông Năm bị sỏi thận cần phẫu thuật, nhưng ngặt nỗi không có tiền nên ông đành xin về nhà. Đâu chỉ có vậy, cách đây không lâu, vợ ông bị cáo huyết áp, dẫn đến tai biến nhẹ, phải nằm viện điều trị. Tuy nhiên, điều trị được 10 ngày thì bà xin về, bởi nếu bà nằm viện thì ông phải ở đó chăm sóc, không thể đi bán. Không đi bán được thì tiền đâu đóng nhà trọ, tiền gạo... Lần này, bà lại bị bệnh, phải vào viện để điều trị tiếp tục.

Trò chuyện ít câu, ông Năm liền bóp tay cho bà, bởi tay bà hay bị tê, dù trong lòng trăm mối ngổn ngang, nhưng ông không ngừng động viên bà, ông nói: “Bác sĩ nói bà không sao đâu, chỉ cần uống thuốc, tập vật lý trị liệu là khỏe à”. Nhìn ông Năm rồi nhìn chúng tôi, bà Năm rơm rớm nước mắt: “Tôi sợ lắm, chẳng may tôi mà bị tai biến nằm một chỗ không biết ông ấy sẽ ra sao. Vợ chồng già chi tiêu tằn tiện lắm, ráng để dành để lo phẫu thuật cho ông ấy. Dành dụm chưa được bao nhiêu, trước tết tôi bệnh một đợt hết tiền rồi, giờ bệnh nữa không biết ông ấy xoay xở làm sao”.

Mỗi ngày, vợ chồng ông Năm bán vé số gần khu vực chợ Vị Thanh, Hồ Sen, thấy ông bà già yếu, mọi người cũng thương tình mua tiếp. Mỗi tờ vé số được bán ra, thì bữa cơm của hai vợ chồng già sẽ có thêm ít thịt, chút cá. “Bình quân mỗi ngày vợ chồng già cũng bán được 200-300 tờ vé số, để bán được số lượng ấy, có ngày hơn 11 giờ khuya mới về tới nhà. Lớn tuổi rồi, đi nhiều chân cẳng nhức mỏi lắm cháu, nhưng vì cuộc sống nên phải ráng”, ông Năm cho hay. Giờ đây, bà Năm bệnh, ông phải chăm bà ở bệnh viện, ông bảo, mai bà khỏe hơn ông sẽ đi bán lại, chứ nghỉ hoài tiền đâu mà xài. Dẫu mang bệnh trong người rất khó chịu, nhưng ông Năm chỉ lấy thuốc bảo hiểm y tế uống, chứ không có khả năng phẫu thuật. “Chỉ mong sao bà ấy khỏe lại, còn tôi mau hết bệnh, để còn đi bán vé số tiếp tục mưu sinh. Bà ấy đã bệnh rồi, tôi mà quỵ nữa không biết cuộc sống thế nào…”, ông Năm buồn bã cho biết.

Xế chiều chia tay ông Năm, bà Năm ra về, ánh mắt buồn rười rượi của ông Năm cứ ám ảnh tâm trí chúng tôi. Mong sao các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hãy dang rộng vòng tay nhân ái, để giúp ông bà vượt qua lúc khó khăn này.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: ông Nguyễn Văn Diệp, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, số điện thoại: 0794367439. Hoặc Đội Công tác xã hội Báo Hậu Giang, đường Võ Văn Kiệt, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, qua số điện thoại: 0293.3878769.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>