Thực hiện tự động hóa quy trình thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông qua Kho bạc Nhà nước

04/07/2023 | 09:43 GMT+7

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa quy trình cải cách hành chính, tiến tới các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử. Kho bạc Nhà nước Hậu Giang (KBNN) đang triển khai thực hiện tự động hóa quy trình thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông đối với đơn vị sử dụng ngân sách. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có phỏng vấn ông Trần Văn Quốc Thịnh (ảnh), Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hậu Giang.

Thưa ông, ông có thể cho biết cơ sở nào để KBNN Hậu Giang triển khai thực hiện quy trình thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông ?

- Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bổ sung thêm tiện ích cho đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) và đáp ứng quy trình thanh toán tự động điện, nước, viễn thông, KBNN đã thực hiện nâng cấp bổ sung Cổng trao đổi dữ liệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). 

Ngày 21-4-2023, KBNN có Quyết định số 2286/QĐ-KBNN về việc ban hành Quy trình thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của ĐVSDNS Nhà nước. Tiếp theo đó, ngày 25-4-2023, KBNN ban hành Công văn số 2344/KBNN-CNTT về việc triển khai diện rộng chương trình, quy trình thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện, tiền nước theo văn bản ủy quyền của ĐVSDNS Nhà nước. Căn cứ theo các văn bản trên, KBNN Hậu Giang cũng đã ban hành công văn triển khai diện rộng gửi đến các ĐVSDNS để thực hiện quy trình này.

Trên cơ sở đó, từ ngày 27-4-2023 trên Cổng trao đổi dữ liệu, đơn vị có thể thực hiện ủy quyền cho KBNN nơi giao dịch để thực hiện tự động trích tài khoản đối với các giao dịch thanh toán như khoản chi điện, nước với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước có triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện, nước với Ngân hàng VietinBank, khoản chi cước dịch vụ viễn thông (bao gồm dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ truy cập internet cố định hàng tháng và dịch vụ điện thoại di động trả sau đứng tên đơn vị sử dụng ngân sách (các dịch vụ nêu trên đều không bao gồm trả trước cước dịch vụ) với các dịch vụ viễn thông do VNPT Vinaphone cung cấp.

Như vậy, sau khi ĐVSDNS thực hiện ủy quyền thanh toán tự động điện, nước, viễn thông cho KBNN nơi giao dịch, hàng tháng các ĐVSDNS không phải gửi yêu cầu thanh toán đối với các khoản chi điện, nước và viễn thông qua hệ thống DVCTT của KBNN, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVSDNS.

Thưa ông, việc triển khai quy trình này mang đến các lợi ích thiết thực nào cho ĐVSDNS ?

- Việc triển khai thực hiện quy trình này có nhiều ưu điểm như về thời gian và chi phí hoạt động của ĐVSDNS giảm đáng kể do không phải lập chứng từ gửi KBNN. Hóa đơn dịch vụ của nhà cung cấp được thanh toán cùng lúc giúp dòng tiền được lưu chuyển nhanh chóng, thuận lợi, góp phần giảm phí thanh toán của KBNN, nâng cao khả năng quản lý ngân quỹ. Hệ thống KBNN Hậu Giang giảm đáng kể lượng hồ sơ giao dịch, tạo điều kiện cho công chức KBNN Hậu Giang có thêm thời gian để kiểm soát các hồ sơ phức tạp hơn. Rút ngắn thời gian giao dịch từ 1 ngày làm việc xuống còn khoảng 30-60 phút…

Thưa ông, ngoài những lợi ích thì còn tồn tại khó khăn nào ?

- Hiện nay, các đơn vị thực hiện giao dịch với các KBNN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chủ yếu giao dịch qua DVCTT của kho bạc đảm bảo an toàn và thuận tiện. Đơn vị giao dịch chủ động in, quản lý hóa đơn điện tử, chứng từ chuyển tiền và thanh quyết toán với đơn vị cung cấp dịch vụ. Vì vậy, các đơn vị này chưa mặn mà với việc ủy quyền cho KBNN nơi giao dịch thanh toán trích nợ.

Ngoài ra, tại văn bản ủy quyền của ĐVSDNS với KBNN có quy định, việc ủy quyền cho KBNN để thanh toán tự động dịch vụ điện, nước, viễn thông chỉ áp dụng đối với trường hợp ĐVSDNS có 1 tài khoản tại KBNN tương ứng với 1 mã khách hàng. Trong khi phần lớn số ĐVSDNS thực hiện thanh toán các khoản điện, nước, dịch vụ viễn thông qua 2 tài khoản trở lên và nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Do đó, hàng tháng đơn vị còn phải xác định phân bổ chi phí dịch vụ tương ứng với tài khoản, nguồn kinh phí liên quan tới việc phát sinh dịch vụ, qua đó, đơn vị chủ động lập chứng từ thanh toán từ tài khoản, nguồn kinh phí phù hợp nên một số đơn vị cũng không thực hiện ủy quyền thanh toán cho KBNN thực hiện.

Nhiều ĐVSDNS thực hiện thanh toán dịch vụ chung cùng tòa nhà, các đơn vị trong tòa nhà không thanh toán trực tiếp đến nhà cung cấp, mà thanh toán qua đơn vị quản lý tòa nhà (ví dụ như trụ sở các Hội đặc thù cấp tỉnh), hoặc thanh toán gói cước VNPT theo năm để được hưởng chế độ ưu đãi của nhà cung cấp cũng là một khó khăn cho quá trình triển khai thanh toán tự động các khoản chi này…

Thưa ông, đâu là giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc ?

- KBNN xây dựng kết nối và triển khai dịch vụ theo quy trình thanh toán điện tử, tinh giản theo hướng KBNN tiếp nhận bảng kê thanh toán (danh sách theo định dạng) trên chương trình thanh toán, giao diện trực tiếp vào Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) nhận diện qua đoạn mã tài khoản tự nhiên của từng đơn vị (mã QHNS) và thực hiện báo nợ qua DVCTT đến ĐVSDNS.

Trong thời gian tới, KBNN tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm, trang bị hạ tầng thiết bị, đảm bảo dự phòng, bố trí nguồn lực để thực hiện giám sát, quản trị vận hành và bảo trì hệ thống hoạt động ổn định và tính sẵn sàng cao.

Cùng với việc triển khai các tiện ích trên DVCTT, hướng tới mục tiêu kho bạc số, quy trình thanh toán tự động dịch vụ điện, nước, dịch vụ viễn thông đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần rút ngắn thời gian và quy trình chi NSNN của ĐVSDNS, thanh toán kịp thời đến các nhà cung cấp dịch vụ, mang lại nhiều hiệu quả cho các ĐVSDNS.

Có thể nói, việc triển khai dịch vụ thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông là một bước quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng kho bạc số theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là mở đầu quan trọng cho các hình thức thanh toán chủ động, tự động trong tương lai, làm thay đổi diện mạo của KBNN, chuyển dần từ mô hình quản lý sang mô hình phục vụ và cần sự tham gia, quan tâm thực hiện của các ĐVSDNS.

Chương trình thanh toán tự động hóa đơn dịch vụ điện thoại, điện, nước, viễn thông mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Hiện tại, trong 230 đơn vị sử dụng ngân sách đã có 8 đơn vị thực hiện ủy quyền thanh toán.

 

Xin cảm ơn ông !

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích