Cùng chung tấm lòng thiện nguyện

25/03/2019 | 08:47 GMT+7

Các thành viên đều cố gắng hoàn thành tốt công việc được đảm trách tại bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp (bếp ăn), với  hàng trăm suất cơm, cháo, nước sôi miễn phí được trao cho bệnh nhân mỗi ngày.

Ông Đẹp (bìa phải) và ông Đức (thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên bếp ăn kiểm tra sổ sách chi, thu sau một tuần.

Đến thăm bếp ăn vào đầu giờ chiều, thời gian này, các thành viên tranh thủ làm việc để sẵn sàng trao hơn 200 suất cơm cho bệnh nhân, lúc 15 giờ. Người nấu cơm, người chiên tàu hủ, nhặt rau,… tuy công việc khá vất vả, nặng nhọc nhưng gương mặt họ rất rạng ngời, vui vẻ. Ông Phạm Văn Đẹp, Phó Ban nhân sự của bếp ăn, năm nay ngoài 60 tuổi nhưng có hơn 10 năm gắn bó với nơi đây, đều được mọi người quý mến. Chính lý do đó, giúp bếp ăn hoạt động hiệu quả, khi có sự đồng lòng, chung tay nỗ lực phối hợp chặt chẽ từ các thành viên.

Ông Phan Văn Chai, ở ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Chúng tôi đều có cùng mục tiêu chung là mang bữa cơm ngon miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Chú Đẹp tuy nhỏ tuổi nhất ở đây nhưng luôn được anh em tín nhiệm bởi cách làm việc khoa học, công khai, minh bạch. Các công việc đều có sự thống nhất chung từ tập thể, nên việc thực hiện luôn đạt kết quả tốt, nhiệm vụ ai người đó làm giống như một dây chuyền sản xuất”.

Trước đó, ông Đẹp cũng từng đi nấu cơm từ thiện ở nhiều nơi như Sóc Trăng, Kiên Giang; hay chặt thuốc nam từ thiện; tham gia cất nhà tình thương, chương trình “Cảm thông và chia sẻ”,… Dù ở công việc nào, ông cũng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, mong muốn giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được ấm lòng. Ông Đẹp còn nhận được sự ủng hộ tinh thần từ phía gia đình, tạo động lực để làm tốt hơn công tác xã hội như mong muốn.

Còn ông Nguyễn Văn Đức, chịu trách nhiệm vận động kinh phí hoạt động của bếp ăn từ những ngày đầu mới thành lập, khiến mọi người nể phục. Ngần ấy thời gian, ông Đức lặn lội đi đến từng ngõ, ngách trong huyện để vận động, tranh thủ thêm nguồn từ các mạnh thường quân ngoài tỉnh, mỗi người một ít. Hơn 8 năm trước, trong một lần đi vận động bằng vỏ lãi, ông bị tai nạn khiến chân trái gãy, nên hiện việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Nhưng nỗi đau xác thịt ấy không khiến ông chùn bước trên con đường làm thiện nguyện, dù đôi chân có bị lệch nhau. Người đàn ông gần 70 tuổi với mái tóc bạc phơ vẫn vượt khó, mang hy vọng có thêm nhiều suất cơm nghĩa tình được trao tay.

Ông Đức bộc bạch: “Chỉ cần mình chịu cố gắng thì không có việc gì khó. Đi xin hoài nên mọi người tin tưởng, thấu hiểu mà giúp đỡ nhiệt tình, tôi mừng lắm”. Nhờ đó, hoạt động của bếp ăn ngày càng hiệu quả, đặc biệt là trong kho lúc nào cũng chứa đầy gạo. Hàng năm, bếp ăn còn hỗ trợ gạo cho một số xã để tặng hộ nghèo, học sinh nghèo; trợ giúp hàng tháng cho hơn 20 người già neo đơn, không còn khả năng lao động (10kg gạo/tháng); hễ gia đình hoàn cảnh khó khăn có người mất hoặc các trường hợp cháy nhà sẽ được san sẻ 25kg gạo,... Ngoài ra, bếp ăn còn mở thêm được quầy quần áo miễn phí, giúp những gia cảnh khó khăn có thêm bộ quần áo mới.

Ông Đẹp bảo, làm từ thiện cần cái tâm và chữ nhẫn bởi chẳng được ai trả công, trả lương, nhiều người không hiểu lại còn nghĩ thiên lệch. Các thành viên dù đa phần điều kiện kinh tế không mấy khá giả, nhưng trong họ luôn có sự sẻ chia, nhiệt tâm. Trong quá trình thực hiện, bếp ăn cũng gặp nhiều khó khăn, lúc ấy, các thành viên sẽ cùng ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp, tháo gỡ vướng mắc. Hàng tuần sẽ tiến hành họp lệ, báo cáo hoạt động, đánh giá tình hình, thực hiện phê bình và tự phê bình trong tập thể để nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót mà khắc phục kịp thời.

Ông Nguyễn Nhật Hoàng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Các thành viên của bếp ăn rất nhiệt tình trong mọi công tác liên quan. Tôi mừng vì điều này, sẽ là tiền đề để những mảnh đời khó khăn được giúp đỡ nhiều hơn, khi việc làm ý nghĩa lan tỏa”.

Thành công nào cũng cần sự đoàn kết, chung lòng để tạo nên sức mạnh. Đó là chất keo vô hình kết dính, giúp mọi người cùng trao yêu thương và xích lại gần nhau.

Hiện có gần 70 thành viên tham gia bếp ăn, chia làm 7 tổ, thay phiên thực hiện công việc nấu cơm, cháo, nước sôi,…. Trong năm 2018, bếp ăn đã cấp phát 118.305 suất cơm, cháo miễn phí; 750 phần cơm hộp cho bệnh nhân nghèo…

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>