Từ tranh chấp đất… đến trách nhiệm hình sự

24/01/2024 | 10:27 GMT+7

Theo các cơ quan chức năng, tình hình tranh chấp đất đai ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp. Ngoài các vụ tranh chấp dân sự thì thời gian gần đây, các vụ mâu thuẫn, xô xát dẫn đến gây thương tích phải xử lý hình sự liên quan đến đất đai cũng xảy ra.

Tòa xét xử vụ án cố ý gây thương tích của Lê Văn Đệ phát sinh từ tranh chấp lối đi.

Đứng trước bục khai báo tại tòa, bị cáo Lê Văn Đệ ngoái nhìn về phía bàn bị hại và luôn mực xin lỗi, mong bị hại rút lại đề nghị xử lý hình sự, nhưng bị hại Trần Thanh Tân vẫn kiên quyết yêu cầu tòa xét xử đúng người, đúng tội đối với Đệ.

Ít tháng trước, bị cáo Đệ vốn có công việc ổn định, có gia đình êm ấm, chẳng thể nào nghĩ rằng chỉ vì một phút nông nổi vì mâu thuẫn từ chuyện làm hàng rào, mà nay mình lại là người có tội.

Mọi chuyện xuất phát vào ngày 13-8-2023, bị hại Tân thuê người làm hàng rào tại phần đất của ông Tân ở ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng. Lúc này, ông Lê Út Lớn (cha của Đệ) đi lại chỗ ông Tân và phản ứng vì cho rằng ông Tân làm hàng rào nhưng không chừa lối đi cho ông Út Lớn, hai bên lời qua tiếng lại. Lê Văn Đệ đứng gần đó nghe thấy liền cầm dao Thái Lan chạy lại nơi ông Tân đứng đâm về hướng ông Tân nhiều cái nhưng không trúng. Sau đó, Đệ tiếp tục rượt đuổi và dùng tay đánh vào đầu ông Tân. Dù bị thương tích chỉ 1%, nhưng bị hại Tân kiên quyết yêu cầu khởi tố người hàng xóm hung hăng của mình.

Trước đó, vào tháng 11-2023, Tòa án nhân dân tỉnh (TAND) cũng xét xử vụ án cố ý gây thương tích khi bị cáo Dương Văn Cất đánh bị hại Dương Gia Huy thương tích 3%.

Chuyện họ hàng (bị cáo Cất là ông của bị hại Huy) đánh nhau cũng chỉ là giọt nước tràn ly, hệ quả của việc hai nhà tranh chấp ranh đất âm ỉ đã lâu. Đứng trước tòa, ông Cất biện minh vì thấy cháu nói chuyện hỗn nên muốn dạy dỗ; còn người cháu một mực đề nghị phải xử nặng hơn cho người ông vì bản án 6 tháng tù là nhẹ.

Theo thẩm phán Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh, thời gian qua đã xảy ra một số vụ án xuất phát do mâu thuẫn tranh chấp đất đai. Điều này không chỉ gây tổn hại sức khỏe, rạn nứt mối quan hệ trong gia đình, xóm giềng, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hiện nay, thực trạng đất đai tăng giá, “tấc đất, tấc vàng” nên nhiều trường hợp chỉ vì một chút ranh giới đất chưa phân định rõ cũng phát sinh mâu thuẫn lớn kéo dài, dẫn đến xung đột, tranh chấp và nghiêm trọng hơn là các vụ việc phải xử lý hình sự.

Theo TAND tỉnh, tranh chấp đất hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có rất nhiều loại tranh chấp đất như tranh chấp quyền sử dụng, hợp đồng thuê đất, thừa kế quyền sử dụng đất; tranh chấp đòi đất cho mượn, ở nhờ, lấn chiếm, tranh chấp ranh đất, lối đi chung... Việc tranh chấp liên quan đến đất cũng diễn ra giữa nhiều đối tượng khác nhau như giữa người thân trong gia đình, bạn bè… nhất là tranh chấp giữa hàng xóm với nhau diễn ra khá phổ biến.

Thực tế cho thấy, các tranh chấp đất đai xảy ra trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, do đó, để phòng ngừa tội phạm phát sinh từ loại tranh chấp này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nơi phát sinh xung đột, mâu thuẫn cần tăng cường trách nhiệm trong việc nắm bắt tình hình và sớm hóa giải những bất đồng, xô xát ngay từ khi mới manh nha.

Ông Kiều Văn Thọ, Trưởng Đoàn hội thẩm TAND tỉnh, cho rằng, để có thể hạn chế tình trạng này, cần quan tâm công tác hòa giải, nắm bắt nguyên nhân phát sinh tranh chấp; về phía chính quyền địa phương khi phát hiện các vụ việc tranh chấp đất của người dân cần có biện pháp ngăn chặn và vào cuộc giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao. Qua đó, giúp người dân hòa giải hoặc dựa trên pháp luật để phân xử hợp tình, hợp lý, giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc do tranh giành đất đai. Điều này sẽ góp phần kéo giảm những vụ việc tranh chấp nói chung và các vụ án phát sinh do tranh chấp đất nói riêng xảy ra.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>