Bước tiến về thượng tôn pháp luật và nhiệm vụ phía trước

28/04/2017 | 07:27 GMT+7

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những chủ trương quan trọng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN). Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống pháp luật tốt, phù hợp, đầy đủ, một hệ thống pháp luật điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó những quy phạm pháp luật phản ánh đầy đủ, khách quan các quan hệ của xã hội trong điều kiện hiện nay. Về vấn đề này tại Hậu Giang, bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp, dành cho phóng viên cuộc trao đổi khá chi tiết.

Bà Phạm Thanh Tuyền (đứng) đóng góp ý xây dựng luật do tỉnh tổ chức.

Thưa bà, một trong những nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là thể hiện địa vị tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội. Để thực thi pháp luật cần có công tác xây dựng pháp luật. Thực tế ở Hậu Giang thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật được tổ chức như thế nào ?

- Đối với tỉnh Hậu Giang, từ khi chia tách đến nay, hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Khi mới thành lập tỉnh, Hậu Giang chưa có hệ thống thể chế riêng để thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương, đa số vẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của tỉnh Cần Thơ (cũ). Bên cạnh những hoạt động khác, vấn đề đặt ra thời điểm đó để thực hiện chức năng quản lý nhà nước là bắt tay vào xây dựng và ban hành hệ thống VBQPPL của tỉnh.

Sau hơn 13 năm thành lập tỉnh, tình hình xây dựng và ban hành VBQPPL của tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả. Đến nay, tỉnh đã có hệ thống thể chế tương đối đầy đủ với tổng số VBQPPL được HĐND và UBND tỉnh ban hành từ năm 2004 đến hết tháng 3-2017 là 989 văn bản (256 nghị quyết; 733 quyết định - PV). Các văn bản này đã điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, là công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương.

Nội dung các văn bản pháp quy của tỉnh theo bà có những ưu điểm và hạn chế gì ?

- Nhìn chung, hệ thống VBQPPL của tỉnh ban hành đã điều chỉnh toàn diện các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh địa phương và chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên rõ rệt. Các văn bản ngày càng phản ánh sát hợp và kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với VBQPPL cấp trên, với đối tượng thực thi văn bản, với thực trạng của vấn đề mà văn bản quy định và với quy luật phát triển của đời sống xã hội tại tỉnh. Trong từng lĩnh vực cụ thể, để quản lý kinh tế, quản lý xã hội, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các VBQPPL theo nội dung được phân công, phân cấp. Nội dung các VBQPPL đều bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Từ đó cho thấy, VBQPPL đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động quản lý và điều hành nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, nội dung VBQPPL của tỉnh thời gian qua cũng còn một số hạn chế nhất định. Một số VBQPPL ban hành dưới dạng sao chép lại quy định của Trung ương mà theo Luật Ban hành VBQPPL thì VBQPPL không được quy định lặp lại những nội dung đã được thể hiện tại các văn bản quy phạm khác. VBQPPL của Trung ương có nhiều quy định mang tính định khung, bao quát, nếu muốn triển khai thực hiện phải được chi tiết, cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa phương. Thời gian qua, có một số VBQPPL của tỉnh mang tính đặc thù địa phương, được coi là hợp lý nhưng chưa hợp pháp, chưa phù hợp với VBQPPL cấp trên, dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản thực hiện kiểm tra và đề nghị sửa đổi, bổ sung theo quy định.

Ngoài ra, khi xây dựng dự thảo VBQPPL của tỉnh, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì còn thiếu tích cực, thiếu rà soát, đối chiếu với quy định của cấp trên; thiếu khâu điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá tình hình thực tế. Từ đó, một số VBQPPL ban hành không phù hợp và chưa đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước của tỉnh.

Trong xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật ở Hậu Giang, mối quan tâm của bà là gì ?

- Để pháp luật đi vào cuộc sống và được thực thi có hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ, chất lượng tất cả các khâu từ xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật... Để làm được điều này, tôi thiết nghĩ, cần quan tâm thực hiện các nội dung sau:

+ Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, tạo ra hệ thống pháp luật gồm các VBQPPL mang tính tiến bộ, hoàn chỉnh, đầy đủ, bắt kịp thực tiễn cuộc sống trong mọi lĩnh vực. Đây là yêu cầu quan trọng làm cơ sở cho việc bảo đảm thi hành pháp luật trên địa bàn.

+ Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện những quy định pháp luật không phù hợp để xử lý. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý theo đúng quy định, đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm trên thực tế.

+ Tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng, thi hành pháp luật ở địa phương từ việc đảm bảo đầy đủ điều kiện, kinh phí cho xây dựng văn bản đến các điều kiện tổ chức thi hành pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, bảo đảm để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong áp dụng pháp luật ở địa phương.

Thưa bà, kết quả trên đã cho thấy chúng ta có bước tiến về thượng tôn pháp luật như thế nào ? Rõ nhất là gì ?

- Ngày nay, đời sống của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân đang được nâng cao, đi cùng với đó là sự nâng lên của trình độ tri thức, nhận thức nói chung và nhận thức pháp luật nói riêng. Mọi người ngày càng quan tâm hơn đến pháp luật, ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật có những tiến bộ rõ rệt. Các quy định của pháp luật ngày càng được thực thi đồng bộ, hiệu quả và đầy đủ trên thực tế. Đặc biệt là đối với nhân dân, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của họ ngày càng nâng lên, thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” được hình thành, hạn chế được các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Rõ nhất là:

+ Sự hiểu biết về pháp luật của nhân dân đã biểu hiện cụ thể: Nhân dân ý thức được trách nhiệm, quyền hạn của mình đối với nhà nước thông qua pháp luật, do đó họ tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước để thực hiện quyền hợp pháp của mình. Ví dụ như tham gia góp ý các văn bản luật; tham gia ý kiến về việc thực thi các quy định của pháp luật trên thực tế; tự giác học tập, nghiên cứu pháp luật…

+ Hầu hết mọi người đã chủ động, tích cực, tôn trọng và thực hiện nghiêm các quy định. Trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức, số cán bộ vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ đã giảm, thực trạng tham nhũng, sách nhiễu đang được đẩy lùi; cán bộ, công chức đã ngày càng chứng tỏ sự minh bạch, công khai trong công việc của mình.

+ Ý thức trong thực hiện pháp luật của các tầng lớp nhân dân cũng được cải thiện rõ. Nhân dân đã nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành pháp luật. Số vụ khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp, vi phạm pháp luật từng bước kéo giảm… Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt về thực hiện pháp luật.

Cho rằng văn hóa phương Đông còn nặng về “tình” thì để Hiến pháp và pháp luật có địa vị tối cao cần có những giải pháp nào, thưa bà ?

- Mặc dù văn hóa phương Đông còn nặng về “tình”, nhưng thực tế chúng ta đã và đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nghĩa là mọi người phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, để bảo đảm vị trí tối cao của Hiến pháp và pháp luật, thiết nghĩ cần phải thực hiện các giải pháp sau:

+ Phải tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật một cách hoàn chỉnh, đầy đủ, bắt kịp thực tiễn cuộc sống trong mọi lĩnh vực. Để làm được điều này, cần phải thực hiện đồng bộ, thống nhất từ khâu dự kiến, xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát các VBQPPL. Có như vậy mới đảm bảo được sự phù hợp của pháp luật với thực tế cuộc sống.

+ Pháp luật phải được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến mọi người dân và phải phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh khác nhau để người dân hiểu, từ đó giúp họ thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình. Cần chú trọng việc xây dựng ý thức pháp luật để người dân tự giác thực hiện, trở thành nếp sống, thành văn hóa hàng ngày. Hàng năm, tổ chức tốt “Ngày pháp luật 9-11” đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, để tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi của mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động theo hướng “lạt mềm buộc chặt”, giúp người dân hình thành ý thức thượng tôn pháp luật.

Và cuối cùng là cần tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước…

Xin cảm ơn bà !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>