Đất khóm đã khác xưa...

23/10/2023 | 08:04 GMT+7

Sau khi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hướng tới xã NTM kiểu mẫu.

Đoạn đường từ cầu Kênh 5 đến hết Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (Căn cứ Chìa Khóm) trên địa bàn xã Hỏa Tiến thông thoáng, sạch đẹp.

Trở lại Hỏa Tiến hôm nay, quê hương anh hùng đã có nhiều thay đổi. Nơi đây được coi như vùng trồng khóm trọng điểm của thành phố Vị Thanh cũng như Hậu Giang. Đường quê rộng thoáng, sáng - xanh - sạch - đẹp, đa phần nhà cửa kiên cố khang trang, luôn đồng lòng, chung sức của người dân trong xây dựng quê hương, giúp địa phương giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao được công nhận từ năm 2021. Qua đó tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới trên quê hương.

Ông Trần Thanh Mộng, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, chia sẻ: “So với năm 2021, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ hơn. Xã tranh thủ vận động nguồn lực hỗ trợ và vận động Nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động giặm vá, duy tu, sửa chữa các tuyến giao thông trên địa bàn. Xã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”.

Cây trồng chủ lực của Hỏa Tiến là khóm với diện tích 1.200ha, trong đó có 1 mô hình trồng khóm hữu cơ từ “Dự án phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang (NMA)”. Xã còn thực hiện chuyển giao 2 mô hình: “Mô hình khóm - cá kết hợp du lịch” ấp Thạnh Thắng, “Mô hình nuôi dê sinh sản an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường” ấp Thạnh Xuân.

Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực, hiện khóm Cầu Đúc của xã là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao. Đăng tải thông tin bán hàng lên kênh thương mại điện tử đối với 4 sản phẩm OCOP: nước màu khóm, dưa chua củ hủ khóm, mứt khóm, rượu khóm; quảng bá các sản phẩm OCOP qua facebook, zalo... “Lúc chưa trồng khóm theo mô hình NMA, khóm tôi có ngon ngọt cỡ nào cũng thăng trầm, bấp bênh lắm, nhiều lúc muốn phá rẫy khóm trồng cây khác. Kể từ khi được UBND xã vận động, tôi làm theo mô hình NMA, khóm của tôi giờ là khóm sạch, không lao đao tìm đầu ra như trước”, ông Phạm Văn Diện, Tổ hợp tác nông nghiệp Thạnh Xuân, tâm sự.

Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, xã có các mô hình phát triển kinh tế khác: “Mô hình hỗ trợ vay vốn cho thanh niên làm kinh tế, mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (hỗ trợ 9 máy may hội viên phụ nữ); mô hình sản xuất lúa hữu cơ, mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa,... mức thu nhập của người dân của xã gần 75 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện các tiêu chí còn thiếu, xã tranh thủ tối đa sự đầu tư từ trên để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động sức dân để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi như: Nạo vét tuyến kênh Chín Khai, ấp Thạnh An, kênh Tư Nho, ấp Thạnh An. Vận động Nhân dân làm kè sinh thái, kè kiên cố trên địa bàn xã (kè tuyến đường Sông Cái Lớn chiều dài 100m kè kiên cố, 186m kè sinh thái).

Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến Trần Thanh Mộng thông tin thêm: “Từ đây đến cuối năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt, hoàn thiện từng tiêu chí lên mức cao hơn, hướng đến NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đạt 95% trở lên người dân tham gia BHYT, vận động người dân thường xuyên cải tạo cảnh quan môi trường, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP của xã trên mạng xã hội, nền tảng kinh doanh online. Chú trọng phát triển các mô hình mang lại hiệu quả nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất của người dân trên địa bàn...”.

Bài, ảnh: TUỆ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>