Linh hoạt trong sản xuất

23/08/2016 | 07:57 GMT+7

Huyện Phụng Hiệp là địa phương thuộc vùng trũng của tỉnh Hậu Giang, mùa nước nổi thường làm ngập khoảng 50% diện tích đất sản xuất lúa của toàn huyện. Để tăng hiệu quả kinh tế, nhiều nông hộ sản xuất lúa nơi đây đã linh hoạt chuyển đổi lúa vụ 3 sang những hình thức sản xuất mới, góp phần tăng thêm thu nhập.

Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên 3 năm trở lại đây, ông Sơn đều chọn mô hình trồng sen để thay thế lúa vụ 3.

Sản xuất lúa vụ 3 (hay còn gọi là lúa Thu đông) ở Phụng Hiệp, thường cho thu hoạch vào tháng 10, 11 âm lịch, đây cũng là thời điểm nước lũ về, lúa thường bị ngập, gây thất thoát đến năng suất. Bên cạnh đó, chưa kể đến tình trạng mưa nhiều lúa làm ra thường bị ép giá. Chính vì thế khiến nhiều nông hộ trồng lúa ở Phụng Hiệp ngán ngẩm với việc canh tác lúa vụ 3. Có những diện tích người dân bỏ đồng trống để bán lúa chét, hay trồng sen, nuôi cá ruộng vẫn cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Hơn 3 năm qua, với diện tích đất chỉ khoảng 5.000m2, mỗi vụ trồng sen thay lúa vụ 3 đã đem về nguồn thu nhập hơn 15 triệu đồng cho ông Huỳnh Minh Sơn, ở ấp Hòa Phụng A, thị trấn Kinh Cùng. Theo ông Sơn, lúa vụ 3 thường rủi ro nên sản xuất không an tâm. Gia đình cũng từng nhiều năm thất thu bởi lúa vụ 3 không có năng suất cao. Trong khi đó, sen rất dễ trồng, cho thu hoạch kéo dài, hiện nay nhu cầu sử dụng gương sen ở mức cao nên cho nguồn thu nhập ổn định. Ông Sơn cho biết: “Trong một lần tình cờ thấy người dân ở xã Hòa Mỹ trồng sen nên đã trồng thử. Năm đầu tiên chỉ trồng với diện tích nhỏ, nhưng thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên hiện nay gia đình không làm lúa vụ 3 nữa, mà chuyển sang trồng sen. Mỗi vụ như thế, một công sen cho thu hoạch khoảng 3 triệu đồng, cao gấp đôi so với lúa vụ 3”.

Bên cạnh chuyển đổi từ làm lúa sang trồng sen thì hiện nay nhiều nông hộ ở các xã như Phương Bình, Hiệp Hưng cũng chọn mô hình nuôi cá ruộng thay lúa vụ 3. Vì những nơi đây là vùng trũng, nước nổi thường đến sớm hơn và rút chậm hơn so với nhiều nơi khác. Nhận thấy đây là vùng đất phù hợp để nuôi các loại thủy sản, vậy là sau vụ lúa Đông xuân và Hè thu, nhiều nông hộ nơi đây lại bỏ lúa vụ 3 chuyển sang nuôi cá ruộng. Nói về kinh nghiệm nuôi cá ruộng ở khu vực này phải kể đến lão nông Lâm Văn Hoa, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, người có hơn chục năm áp dụng mô hình này. Cứ đều đặn hàng năm sau khi thu hoạch lúa Hè thu xong là ông lại gia cố bờ bao để thả cá. Với diện tích chỉ hơn 4 công lúa, nhưng hơn chục năm nay, năm nào ông cũng mang về nguồn thu nhập ổn định hơn 15 triệu đồng. Ông Hoa cho biết: “Cá thả ở ruộng chỉ là những loại cá thông thường như: cá chép, rô phi, mè vinh… tuy giá trị kinh tế không cao, nhưng ưu điểm là dễ nuôi, mau lớn. Thức ăn cho chúng đa phần có sẵn trên đồng nên cũng tiết giảm một phần chi phí”.

Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên đến nay, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình có hơn 30 hộ gia đình áp dụng cách làm này với diện tích nuôi hơn 18ha. Theo nhiều nông dân nuôi cá ở đây cho biết, nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi là cách “làm chơi mà ăn thiệt”, vì tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nên đã giảm chi phí đầu tư: “Ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên ruộng còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất, các loại cá còn ăn rong rêu, vệ sinh được đồng ruộng, hạn chế các loại cỏ dại trong mùa nước, giảm chi phí đầu tư cho vụ tiếp theo. Trung bình, người nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/ha tiền làm đất hay xử lý các loại cỏ dại trong mùa nước”, ông Lê Văn Nghĩa, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, chia sẻ.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Do đặc thù là vùng trũng, nước nổi về dẫn đến nhiều khu vực bị ngập sâu nên sản xuất lúa đạt hiệu quả không cao. Vụ lúa Thu đông năm nay, theo kế hoạch huyện sẽ giảm khoảng 50% diện tích gieo sạ so với vụ Đông xuân và Hè thu. Những diện tích giảm này sẽ vận động người dân chuyển sang nuôi cá ruộng hay trồng sen, trồng ấu… Vì những cách làm này, thời gian qua đã cho thu nhập cao hơn lúa vụ 3 khá nhiều.

Trong tổng số diện tích đất sản xuất lúa không thể gieo sạ lúa vụ 3 ở Phụng Hiệp vào khoảng 10.000ha. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đang vận động nông dân chuyển sang nuôi cá ruộng khoảng 2.100ha, bên cạnh đó nhân rộng những mô hình như: trồng sen, trồng ấu, bông súng… hạn chế để tình trạng đất trống, nhằm giúp nông dân có thu nhập trong mùa lũ.

 

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>