Nâng cao dân trí cho học sinh dân tộc Khmer

19/05/2016 | 07:12 GMT+7

Xác định việc giúp học sinh nắm vững tiếng Việt sẽ tạo điều kiện để các em tiếp thu tốt các môn học khác, thời gian qua, tại các trường tiểu học có đông học sinh dân tộc Khmer đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút và nâng cao chất lượng cho học sinh. 

Giờ học toán của học sinh dân tộc Khmer.

Thầy Lê Văn Tám, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Nghĩa 2, huyện Long Mỹ, cho biết: “Mỗi năm vào mùa tựu trường, chúng tôi thường kết hợp với cán bộ xã để vận động phụ huynh đưa các cháu đến trường. Những năm gần đây, nhiều phụ huynh đồng bào dân tộc Khmer đã ý thức được tầm quan trọng của việc học nên đầu năm thường đưa các cháu tập trung ra lớp từ rất sớm. Thậm chí nhiều phụ huynh có con học lớp 1 còn đến quan sát khi các em mới vào học”. Hiện tại, trường có 140/319 em là học sinh đồng bào dân tộc Khmer. Theo thầy Tám, đối với học sinh đồng bào dân tộc Khmer thì việc dạy cho học sinh lớp 1 là khó khăn nhất. Do đa phần các em chưa rành tiếng Việt hoặc không biết tiếng Việt nên rất khó trong quá trình giảng dạy. Vì vậy, các em tiếp thu bài rất chậm.

Để các em có thể dễ tiếp thu bài, giáo viên đứng lớp khi giảng đến bài nào phải giải thích cặn kẽ cấu trúc của từ, câu thông qua việc cho các em nhìn hình ảnh cụ thể. Cô Hồ Thị Minh Thu, giáo viên lớp 1A2, Trường Tiểu học Lương Nghĩa 2, huyện Long Mỹ, cho biết: “Đa số học sinh dân tộc Khmer, nhất là học sinh lớp 1 khả năng phát âm tiếng Việt của các em rất khó, có nhiều từ mình đọc mà các em chỉ ngơ ngác nhìn thôi. Để rèn cho các em thông thạo tiếng Việt, những năm gần đây, trường đã thực hiện chương trình dạy 2 buổi/ngày. Tuy mới thực hiện nhưng kết quả khả quan lắm”. Chương trình dạy 2 buổi/ngày còn tạo điều kiện cho học sinh chậm tiếp thu có thể theo kịp chương trình học. Theo đó, cùng một bài học, giáo viên  sẽ dạy vào 2 buổi là sáng và chiều. Cụ thể, sau khi kết thúc buổi thứ nhất (buổi sáng), giáo viên sẽ quan sát xem em nào còn chưa nắm được kiến thức bài học để ghi lại vào quyển sổ chung của lớp cho giáo viên dạy buổi thứ hai (buổi chiều) căn cứ vào đó mà có kế hoạch giảng dạy hợp lý cho học sinh chưa đạt để các em theo kịp chương trình học.

Còn tại Trường Tiểu học Xà Phiên 3, huyện Long Mỹ, nơi có đến 44% học sinh là người dân tộc Khmer, thì việc vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số là vấn đề hết sức khó khăn. Cô Đinh Thị Dễ, người có gần 19 năm giảng dạy tại trường, chia sẻ: “Thường vào đầu năm, chúng tôi phải dành nhiều thời gian gần gũi tìm hiểu khả năng nghe, nói tiếng Việt của các em để có kế hoạch giảng dạy hợp lý. Đặc biệt, để những học sinh không rành tiếng Việt theo kịp chương trình học thì cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, hàng ngày, chúng tôi còn phải đến lớp sớm để giúp các em ôn tập”. Được biết, để học sinh chậm tiến theo kịp chương trình học thì các giáo viên còn phân công những em rành tiếng Việt ngồi kế em chưa rành để các em hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học.

Có thể thấy, trong những năm qua, bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo thì công tác giáo dục cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thầy Châu Xinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xà Phiên 3, huyện Long Mỹ, cho biết: “Học sinh  dân tộc Khmer ngoài được hỗ trợ chi phí học tập là 70.000 đồng/tháng, các em còn được miễn giảm học phí, tặng sách vở vào đầu năm học mới. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các em đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học lưu ban, hàng năm, nhà trường còn thực hiện mô hình đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc Khmer”.

Được biết, trong những năm gần đây, nhờ ý thức được tầm quan trọng của việc học sẽ nâng cao trình độ đem lại cuộc sống ổn định sau này, nhiều bậc phụ huynh đồng bào dân tộc Khmer đã động viên, làm tất cả để tạo điều kiện cho con em mình được đến trường. Nhờ vậy, có nhiều gia đình trong đồng bào dân tộc Khmer đã được công nhận là gia đình hiếu học và xứng đáng trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>