Phản biện xã hội: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra

17/11/2020 | 20:13 GMT+7

Bài 2: Vì sao phản biện xã hội còn ít ?

So với giám sát thì số cuộc phản biện xã hội còn rất khiêm tốn. Giai đoạn 2015-2020, Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức phản biện xã hội 19 nội dung, trong khi đó, chỉ tính riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức được 37 cuộc giám sát; còn các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã thực hiện hàng trăm nội dung giám sát. Vì sao phản biện xã hội còn ít như vậy ?

Để tổ chức hội nghị phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành đã bỏ nhiều công sức cho công tác chuẩn bị.

Theo chia sẻ của các đơn vị có liên quan, sở dĩ số cuộc phản biện xã hội còn ít là do còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.

Khó khăn về nguồn lực      

Ông Nguyễn Văn Bỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, cho biết: “Để tổ chức được hội nghị phản biện xã hội thì không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nguồn lực về con người, kinh phí. Do gặp khó nên đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chỉ mới tổ chức được 1 hội nghị phản biện, còn lại chủ yếu gửi văn bản góp ý các dự thảo kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nguồn lực của cấp huyện đã khó thì cấp cơ sở lại còn khó khăn hơn. Do đó, Mặt trận các xã, thị trấn trên địa bàn chưa thể thực hiện phản biện xã hội”.

Không riêng Mặt trận cấp cơ sở ở huyện Châu Thành, dù Quyết định 217 của Bộ Chính trị ban hành đã 7 năm nhưng nhiều Mặt trận cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện phản biện xã hội theo hình thức gửi văn bản góp ý hay tổ chức hội nghị phản biện.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Kinh phí dành cho hoạt động của Mặt trận ở cơ sở hàng năm không nhiều nên để tổ chức được một cuộc phản biện thì rất khó khăn. Mặt khác, số cán bộ chuyên trách của Mặt trận ở cơ sở hiện nay đếm trên đầu ngón tay, nhưng phải cáng đáng cùng lúc nhiều việc nên chưa đủ nguồn lực để tổ chức phản biện xã hội”.

Ở một góc độ khác, phản biện hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào thành phần phản biện. Nếu thành phần phản biện có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia thì ý kiến đóng góp mang tính lý luận và thực tiễn cao.

Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, chia sẻ: “Do không có nhiều kinh phí nên chúng tôi không thể mời các chuyên gia, nhà khoa học có nghiên cứu chuyên sâu tham gia phản biện, chỉ mời cơ quan chuyên môn có liên quan của huyện, đại diện các đoàn thể cấp huyện, cán bộ Mặt trận các xã, thị trấn...”.

Không có điều kiện về kinh phí để mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện đang là khó khăn chung của Mặt trận các cấp hiện nay trong công tác phản biện xã hội.

Mặt khác, để hoạt động phản biện xã hội được triển khai đạt hiệu quả cao về cả số lượng lẫn chất lượng thì đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ am hiểu chuyên môn,  nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhìn chung còn chưa am hiểu sâu, thiếu kinh nghiệm về công tác phản biện xã hội, dẫn tới việc tham mưu tổ chức thực hiện công tác này ở cấp huyện và cấp cơ sở hiện nay chưa đạt được như kỳ vọng cả về số lượng lẫn chất lượng.

“Hàng năm, Mặt trận tỉnh đều tổ chức tập huấn công tác phản biện cho cán bộ Mặt trận cấp huyện, cấp xã. Nhưng khó khăn hiện nay là cán bộ mặt trận các cấp, nhất là ở cơ sở thường xuyên thay đổi, dẫn tới việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nói chung, công tác phản biện xã hội nói riêng còn hạn chế”, ông Lê Minh Đang nói.

Còn tình trạng “tự tìm việc để làm”

Có một thực tế là dù Quyết định 217 của Bộ Chính trị được ban hành từ năm 2013 nhưng đến nay rất nhiều người, trong đó có cả những người làm việc trong các cơ quan công quyền không hiểu phản biện xã hội là gì, hay mơ hồ về quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện phản biện xã hội.

Theo ông Lê Minh Đang, gần đây, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phản biện xã hội có nâng lên, tuy nhiên, sự phối hợp thực hiện công tác này chưa được chặt chẽ.

Theo quy định, cơ quan soạn thảo văn bản phải gửi đề nghị Mặt trận tổ chức phản biện một nội dung nào đó, trên cơ sở đề nghị của cơ quan soạn thảo văn bản thì Mặt trận xây dựng kế hoạch phản biện xã hội phù hợp với kế hoạch, yêu cầu của cơ quan cần phản biện. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan soạn thảo văn bản chưa chủ động trong việc gửi yêu cầu Mặt trận phản biện. Do đó, Mặt trận tỉnh thường phải “tự tìm việc để làm”.

“Vào thời điểm cuối năm, Mặt trận tỉnh có văn bản gửi các sở, ngành đề nghị giới thiệu cho Mặt trận những nội dung giám sát và phản biện xã hội. Một số sở, ngành có giới thiệu nội dung để Mặt trận tỉnh giám sát, tuy nhiên về phản biện thì hầu như không có đơn vị nào giới thiệu nội dung. Do đó, Mặt trận tỉnh phải nghiên cứu chương trình ban hành văn bản của UBND tỉnh, từ đó lựa chọn những nội dung nào có thể phản biện để làm công văn gửi UBND tỉnh về chọn nội dung đó. Khi UBND tỉnh có ý kiến thống nhất thì các sở, ngành mới tạo điều kiện cho Mặt trận phản biện, chứ ít có đơn vị chủ động đề nghị nội dung phản biện đến Mặt trận. Cấp huyện cũng gặp phải khó khăn tương tự”, ông Lê Minh Đang cho biết.

Những khó khăn kể trên chính là cản ngại khiến cho công tác phản biện xã hội thời gian qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, từ hiệu quả rất thiết thực đã được kiểm chứng do công tác phản biện xã hội mang lại thì rất cần sự nỗ lực vượt khó thực hiện hiệu quả hơn nữa của công tác này trong thời gian tới...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

----------

Bài 3: Cần có quyết tâm

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>