Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

24/08/2022 | 08:40 GMT+7

Với nhiều hoạt động thiết thực được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, Mặt trận Tổ quốc góp phần thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Cửa hàng tự chọn Anh Khôi, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh được chọn thực hiện mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”.

Vào năm 2020, cửa hàng tự chọn Anh Khôi, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường IV chọn thực hiện mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”. Từ đó đến nay, cửa hàng này nhận được sự tín nhiệm của khách hàng vì hàng hóa đạt chất lượng. Hiện cửa hàng bán trên 39 nhóm sản phẩm, 1.591 mặt hàng, chủ yếu là hàng Việt.

Ngoài ra, cửa hàng còn sử dụng hệ thống tính tiền bằng quét mã tự động nhằm đảm bảo tính chính xác, tạo thuận tiện trong việc xuất hóa đơn bán lẻ cho khách hàng. Ông Phan Anh Thoại, chủ cửa hàng tự chọn Anh Khôi, chia sẻ: “Điều tôi mong muốn khi tham gia mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” là để góp phần quảng bá hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Không chỉ ông Phan Anh Thoại, nhiều tiểu thương trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã và đang mạnh dạn quảng bá, giới thiệu hàng Việt đến với người tiêu dùng. Có được kết quả này là do Mặt trận cùng các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Phan Hoàng Liệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh, cho biết, hàng năm, thành phố duy trì tổ chức 2-3 chuyến hàng Việt về nông thôn; tổ chức được 9 mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”; 100% xã, phường thực hiện mô hình “Tự hào hàng Việt, Tôi bán hàng Việt”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức để các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước làm ra.

Huyện Phụng Hiệp cũng là điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động. Đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng 15 mô hình “Tuyên truyền khu dân cư ưu tiên sử dụng hàng Việt”, 2 mô hình “Câu lạc bộ tuyên truyền sử dụng hàng Việt” và 4 mô hình “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt”. Mặt trận huyện còn phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng tổ chức 3 cuộc hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Cây Dương, thị trấn Búng Tàu, có hơn 2.500 lượt người dân tham quan mua sắm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phụng Hiệp, cho hay, đầu năm đến nay, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tiếp tục hưởng ứng thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP); phối hợp xây dựng, thực hiện mô hình hợp tác xã với những đặc sản địa phương nhằm phát triển hàng hóa nội địa như: Khóm MD2 xã Phương Bình, rượu Lão Tửu Út Tây, cá thát lát Kỳ Như, trà mãng cầu xiêm Yên Bình An... Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhằm đưa những sản phẩm đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng.

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 58 về thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, trọng tâm là tăng cường hoạt động giám sát về thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng hàng Việt trong sản xuất, tiêu dùng.

Công tác tuyên truyền được Mặt trận phối hợp thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng cũng như phối hợp hướng dẫn các tầng lớp nhân dân cách nhận biết hàng Việt Nam chất lượng cao, cách tiêu dùng thông minh… Nhờ đó, đã tác động tích cực đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, sức mua hàng Việt tăng hơn so với trước đây, phần lớn người dân xem việc sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn xây dựng và tổ chức nhân rộng các điểm bán hàng Việt, với tên gọi “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”. Đến nay, có 87 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tăng cường phối hợp thực hiện tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ và tin tưởng về chất lượng, giá cả, tính cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Bên cạnh đó, tổ chức nhân rộng các mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Điểm bán hàng Việt”; kịp thời biểu dương, tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>