Nhiều lợi ích từ kinh doanh tín chỉ carbon rừng

17/03/2024 | 09:37 GMT+7

Năm 2023 đánh dấu một mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Kinh doanh tín chỉ carbon rừng là một lĩnh vực mới. Hiện nay, Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Lợi ích từ kinh doanh tín chỉ carbon rừng

Quảng Nam có hơn 600 nghìn hecta rừng, phần lớn trong đó là rừng tự nhiên, đứng thứ hai cả nước. Việc kinh doanh tín chỉ carbon rừng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời giúp người dân địa phương phát triển kinh tế rừng bền vững.

Khu bảo tồn sinh cảnh voi Quảng Nam nằm trên địa bàn huyện Hiệp Đức có diện tích gần 19 nghìn hecta. Đây là nơi sinh sống của 8 cá thể voi châu Á cùng gần 600 loài thực vật và hơn 200 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Được xem như lá phổi xanh của Quảng Nam, nên trong những năm qua, khu bảo tồn này này được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Ông Lê Đức Tuấn - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nông Sơn, Quảng Nam - cho biết: "Để chuẩn bị cho việc bán tín chỉ carbon, chúng tôi đã huy động mọi lực lượng tại địa phương, tập trung lãnh chỉ đạo cũng như tuần tra, truy quét quyết liệt việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản cũng như săn bắt động vật hoang dã trái phép".

Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng sẽ giúp Quảng Nam tăng 20% diện tích rừng tự nhiên trong vòng 10 năm tới, qua đó nâng độ che phủ rừng lên 61% vào năm 2025, phục hồi và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu mét khối gỗ và giảm phát thải khoảng 14 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam - cho rằng: "Hoạt động chính để triển khai thực hiện đề án, thứ nhất là hoạt động giảm mất rừng, suy thoái rừng, gồm những hoạt động thực thi pháp luật bảo vệ rừng; nhóm hoạt động thứ hai là phục hồi rừng, tăng cường dự trữ carbon và hoạt động thứ ba là quản lý rừng bền vững".

Theo dự kiến, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn thí điểm. Việc này sẽ giúp tạo ra nhiều sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng cho cộng đồng dân cư, qua đó vừa tạo được việc làm ổn định, vừa cải thiện mạnh mẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tháo gỡ vướng mắc cho kinh doanh tín chỉ carbon

Được biết, hiện đã có một số đơn vị có nhu cầu mua tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, cần phải đưa lên sàn giao dịch và qua đấu thầu quốc tế nên tỉnh Quảng Nam đang cân nhắc và xem xét thận trọng.

Trước mắt, tỉnh đã lập báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào tín chỉ carbon và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cũng như người mua tiềm năng. Tuy nhiên, muốn sớm thành hiện thực thì cón nhiều vấn đề cần sớm được tháo gỡ.

Quảng Nam là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm nên chưa có kinh nghiệm và chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Trong khi đó, quy định của luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.

Trong khi đó, đã có đối tác nước ngoài cam kết hỗ trợ tỉnh Quảng Nam xây dựng dự án đảm bảo theo các tiêu chuẩn mới nhất nhằm bán được tín chỉ carbon với giá cao nhất. Trong trường hợp không phát hành và bán được tín chỉ thì tỉnh sẽ không phải hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu và xem đó như một rủi ro trong kinh doanh. Để có cơ sở thực hiện, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho lựa chọn nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ tín chỉ carbon rừng.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang cộng tác với các đối tác để tư vấn, cũng mong sau khi tư vấn xong sẽ trình lên các cơ quan Trung ương. Thứ hai là về mức giá cũng rất là quan trọng, liên quan đến các bộ ngành Trung ương, cũng mong các Bộ, ngành hỗ trợ giúp cho Quảng Nam".

Dự kiến, sau khi khắc phục xong những tồn tại, vướng mắc, tỉnh Quảng Nam sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng, trong đó sẽ tập trung hoàn chỉnh hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định mới nhất để trình phê duyệt, phát hành tín chỉ nhằm có thể bán được carbon với giá cao như kỳ vọng. Bởi thị trường carbon không chỉ bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững; hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh theo hướng bền vững; tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo VTV.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>