Kinh tế từ than củi và bài toán môi trường

07/03/2024 | 07:29 GMT+7

Lâu nay, nghề hầm than củi đã trở thành nguồn sống của nhiều hộ dân ở Hậu Giang. Tuy nhiên, đổi lại nghề này cũng đi kèm nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe.

Nghề làm than củi là kế sinh nhai của nhiều hộ dân ở xã Phú Tân.

Đánh đổi với nghề

Huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy là những địa phương tập trung nhiều lò than củi nhất tỉnh. Theo thống kê của ngành chức năng năm 2023, hai địa phương này có đến 1.281 lò than củi.

Ai đã đi tuyến Tỉnh lộ 927C, đoạn qua làng nghề hầm than ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, đều cảm nhận được mùi củi hầm rất đặc trưng, thêm vào đó là nhà cửa, vườn tược… bị khói, bụi than bám đen.

Với nhiều hộ dân, nghề hầm than tạo được công việc, thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, trong số này có nhiều trường hợp thất nghiệp sau đợt dịch Covid-19 ở xa trở về địa phương mưu sinh. Bà Bé Tám, một người dân sinh sống bằng nghề làm than lâu đời ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, chỉ tay về bức tường đóng đầy khói bụi than cho biết: “Sống nghề lò hầm than thì quen hồi nào tới giờ, khói tới ở trên. Nhiều khi khói chỉ làm mình khó chịu thôi chứ không có độc hại. Ngày trước kêu làm ống khói thoát lên cao, xử lý khói bụi mà ở đây không có ai làm, cũng như người ta quen với cái nết lò, người ta chụm cũng quen, có tình huống gì xảy ra xử lý cũng rất dễ”.

Người làng nghề cho biết, các lò than ở đây đã có từ lâu đời, được ông cha để lại, đó cũng là kế sinh nhai của nhiều thế hệ làng nghề. Mỗi lò hầm than cho ra khoảng 15-30 tấn than/1,5-2 tháng, tùy theo lò lớn nhỏ, sau khi trừ hết chi phí, chủ lò lãi khoảng 3 đến 5 triệu đồng/lò. Than ra lò, những người thợ lại bắt tay vào việc phân loại than, tùy vào từng loại mà giá cả cũng khác nhau. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước và một phần xuất khẩu.

Với khuôn mặt đen nhẻm, bàn tay lấm lem vì vừa phân loại than bỏ vào bịch nilon để cân cho thương lái, bà Phạm Thị Thảnh cho hay:” Làm cái nghề này riết cũng quen. Bụi dữ lắm đó. Nói chung ai ở đây cũng quen cuộc sống này hết rồi. Nếu không có cái nghề này không biết lấy gì sống”.

Ông Hồ Văn Nhành, chủ lò than lâu đời ở xã Phú Tân, bày tỏ: “Cuộc sống ở đây nhờ vào lò than. Vườn tược giá cả làm ra cũng bấp bênh. Dân ở đây chắc không chịu chuyển qua nghề khác rồi, vì cuộc sống người ta đâu có gì bằng lò than đâu…”.

Có thể thấy, thời gian qua từ tỉnh đến cơ sở cũng có nhiều giải pháp để tháo gỡ những bất cập, tuy nhiên khi đưa vào áp dụng vẫn còn khó. Bởi lẽ nếu lò than hoạt động người dân làng nghề, chủ yếu là những người lớn tuổi, không có đất canh tác sẽ có kế sinh nhai, nhưng đổi lại nghề hầm than sẽ tác động đến môi trường và sức khỏe của chính người dân và những người xung quanh. Còn chuyển đổi nghề thì chưa biết làm ở đâu và như thế nào để vẹn cả đôi đường, trong khi số lượng người theo nghề khá đông.

Giải pháp căn cơ

PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Khoa học xã hội liên ngành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, trong một lần làm việc tại Hậu Giang, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng với Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang có khảo sát tình hình sản xuất than củi tại một số hộ dân trên địa bàn huyện Châu Thành. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy khói từ các lò đốt củi sản xuất than đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe của người dân và môi trường. Cảnh quan xung quanh các lò than chỉ có một màu duy nhất là màu đen.

Trước tình hình đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đề nghị Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ triển khai thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển hệ thống xử lý ô nhiễm khói lò than tích hợp giám sát và điều khiển từ xa sử dụng công nghệ IoT cho làng nghề truyền thống sản xuất than củi”, ứng dụng trực tiếp tại lò sản xuất than củi ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành.

Nghiên cứu tập trung vào việc thiết kế hệ thống xử lý ô nhiễm khí thải từ các lò sản xuất than củi, đồng thời thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người dân có thể giám sát và điều khiển từ xa các thiết bị điện trong hệ thống lò, và giúp cho cán bộ quản lý địa phương có thể theo dõi, thống kê các thông số ô nhiễm khí thải theo thời gian thực một cách dễ dàng, từ đó đưa ra các chính sách quản lý hợp lý.

Quy trình công nghệ xử lý thì khi đốt lò, khói than sẽ được dẫn qua chụp hút để đi vào tháp xử lý khí thải. Hệ thống có gắn các nút cảm biến cho phép đo mức ô nhiễm khí thải và điều khiển tự động. Thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người quản lý hệ thống có thể giám sát và điều khiển từ xa các thiết bị điện trong hệ thống lò. Các thông số về khí thải theo thời gian cũng có thể được theo dõi và thống kê một cách dễ dàng.

“Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, chất lượng khí thải đã được xử lý và kiểm soát, đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19: 2009/BTNMT cột B đối với bụi và chất vô cơ. Đây là điều đáng vui mừng và đạt được yêu cầu đặt ra. Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cao độ bền và tuổi thọ của hệ thống phù hợp với điều kiện thực tế tại các lò than như nhiệt độ và các khí gây ăn mòn được sinh ra trong quá trình sản xuất”, PGS.TS. Đinh Văn Phúc thông tin.

Ngoài ra, PGS.TS. Đinh Văn Phúc khẳng định, luôn cố gắng để không làm thay đổi thói quen của người dân trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm than đảm bảo chất lượng và xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường để giúp người dân duy trì được làng nghề truyền thống. Ngoài ra, nỗ lực xây dựng hệ thống với mức chi phí thấp nhất, giúp cho người dân dễ tiếp cận và sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, để dự án có thể tiếp tục và đạt chất lượng cần có sự đầu tư ban đầu của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương, cũng như những người làm khoa học.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>