Kinh tế phục hồi và phát triển

25/10/2023 | 07:28 GMT+7

Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Hậu Giang không ngừng nỗ lực để đưa nền kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa.

Nhiều điểm sáng

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Hậu Giang, kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đến cuối tháng 9 đã có 2/7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4/7 chỉ tiêu đạt trên 64%, các chỉ tiêu còn lại đang thực hiện theo lộ trình, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng đầu năm đạt 13,3% tiếp tục đứng đầu cả nước; công tác thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo; giải ngân vốn đầu tư công đạt khá.

Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; tiến độ thu hoạch và sản xuất các vụ lúa, rau màu được đảm bảo. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ, kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được thực hiện thường xuyên, theo dõi chặt chẽ.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số kết quả rất tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ tiêu dùng duy trì sự ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trực tiếp và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện quý III là 46 triệu USD, tính chung 9 tháng là 616 triệu USD, đạt 7,9% kế hoạch.

Trong quý III, toàn tỉnh có 222 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, lũy kế 9 tháng đầu năm, có 613 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn 1.956 tỉ đồng, lũy kế doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế là 3.674 doanh nghiệp, tăng 11 doanh nghiệp so cùng kỳ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, thực hiện tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh với phương châm “Doanh nghiệp đến Hậu Giang vui” và tỉnh Hậu Giang luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian qua, các sở, ban, ngành tỉnh cùng với các địa phương luôn hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đều được triển khai kịp thời trên địa bàn tỉnh, các ngành thuế, hải quan, ngân hàng đã thực hiện tốt các chính sách giảm miễn theo quy định của Trung ương.

Ông Trần Công Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II, cho biết: Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình kinh tế thế giới tác động đến nền kinh tế trong nước, từ đó làm sụt giảm đơn hàng của nhà máy. Nằm trong tình hình chung của các doanh nghiệp nên Lạc Tỷ II cũng bị ảnh hưởng. Để đảm bảo hoạt động cho nhà máy, doanh nghiệp luôn tìm đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động. Đầu năm 2023, tình hình chung của ngành giày cũng còn khó khăn, có giảm nhiều so với thời điểm trước dịch nhưng đơn hàng của nhà máy vẫn đảm bảo. Tổng doanh thu năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 là 4.591 tỉ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190 triệu USD, thu nhập bình quân người lao động 5,3 triệu đồng/người/tháng. Tạo việc làm 12.000 lao động, giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định.

Thực hiện nhiều giải pháp để tạo đột phá

Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, cho biết: Để thực hiện “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã được xác định đúng định hướng trong thời gian tới. Cụ thể là công khai, minh mạch trong quy trình giải quyết thủ tục đầu tư, tạo sự hài lòng và an tâm đầu tư của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ công chức thực thi công vụ. Các sở, ngành và địa phương chủ động phối hợp với nhà đầu tư, đề xuất các giải pháp cho từng dự án, từng trường hợp cụ thể, nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục đất đai, tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch được duyệt; công bố kịp thời thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách ưu đãi - khuyến khích - hỗ trợ đầu tư; danh mục dự án kêu gọi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhằm tạo sự tiện lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Thực hiện tốt công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và tiếp thu những đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết trong thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế và nộp ngân sách để kiến thiết đất nước, góp phần đưa kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng ngày càng phát triển. Do tác động của kinh tế thế giới nên cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng chịu ảnh hưởng, nhưng với những chính sách của Đảng, Nhà nước thời gian qua thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn nữa.

Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, góp phần tăng GRDP chung của tỉnh.   

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trong 9 tháng của năm 2023, tỉnh tiếp tục có mức tăng trưởng kinh tế đạt 13,3%, xếp thứ nhất cả nước; các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 323 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 185.752 tỉ đồng...

Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến đó là sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất sau khi đã trải qua thời gian khó khăn thách thức nặng nề bởi dịch Covid-19 gây ra.

Thời gian qua, tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng chung tay vượt qua các khó khăn do tác động của đại dịch. Nhưng hiện nay khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước như tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng làm giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh và gây khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã đạt được những thành tích mới, thắng lợi mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhằm tạo động lực phát triển đột phá tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới, ông Đồng Văn Thanh cho biết Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025. Trong đó xác định công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 4 trụ cột để tập trung đầu tư phát triển. Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ cho công tác tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Với khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư”; 3 tốt là “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. Đồng thời, tỉnh tập trung triển khai Chương trình số 133 ngày 10/10/2022 về tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó xác định quan điểm chỉ đạo: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao, cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP của tỉnh...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thế giới tháng 9 và 9 tháng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế chậm, tăng trưởng kinh tế thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nợ công tăng cao... Trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, thách thức bên trong. Những khó khăn, thách thức lớn hiện nay cơ bản đã được xác định, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong những tháng cuối năm, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp trong trung và dài hạn, nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới; tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội để phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, tạo động lực mới cho phát triển bền vững.

Trong số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì tỷ trọng doanh nghiệp đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 72,5%. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 16.500 lao động, đóng góp 5,8% cho GRDP. Kinh tế cá thể phát triển mạnh, toàn tỉnh có 44.700 hộ kinh doanh, thu hút 82.600 lao động, với nguồn vốn trên 3.800 tỉ đồng, đóng góp 6% cho GRDP của tỉnh. Nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp đã và đang khẳng định được uy tín, vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>