Có thêm thu nhập dịp tết

22/01/2020 | 10:18 GMT+7

Để đảm bảo chi phí cho các khoản chi tiêu cho gia đình mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều hội viên, phụ nữ đã tạo ra nhiều việc làm thời vụ trong dịp tết.

Cơ sở sản xuất bánh kẹo của bà Trinh đang vào vụ.

Thành thông lệ, mỗi năm, cứ vào khoảng giữa tháng Chạp là cơ sở sản xuất bánh kẹo Yến Như của gia đình bà Phùng Kim Trinh, ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, bắt đầu vào mùa hoạt động.

Xuyên suốt trong 1,5 tháng cận tết, lúc nào cơ sở của bà cũng đông đúc, rộn ràng người ra vào.

Bà Trinh cho biết: “Nghề này chúng tôi chỉ làm duy nhất vào dịp tết. Cứ bước qua mùng 10 tháng Chạp trở đi là chúng tôi chuẩn bị khay, lò để làm kẹo bán tết. Phần lớn chúng tôi làm theo nhu cầu khách hàng nên lượng hàng mỗi năm mỗi khác”.

Hiện tại, cơ sở bà Trinh sản xuất chủ yếu các loại kẹo phục vụ tết như: kẹo đậu phộng, kẹo hạt điều, kẹo mè... Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 300kg kẹo cung ứng ra thị trường. Theo bà Trinh, để làm được lượng sản phẩm lớn như thế ngoài tận dụng lao động từ các thành viên trong gia đình, bà còn mướn thêm lao động nữ tại địa phương.

“Năm nào cũng vậy, gần đến đợt làm kẹo là tôi đều nhờ địa phương giới thiệu cho một số chị em có hoàn cảnh khó khăn cần việc làm tăng thu nhập dịp tết. Hiện tại, chỗ tôi đang có 5 chị phụ giúp. Trung bình mỗi ngày, thu nhập các chị cũng khoảng 200.000 đồng, nếu chịu làm xuyên suốt từ đầu vụ đến cuối vụ thì thu nhập mỗi chị bình quân không dưới 7-8 triệu đồng”, bà Trinh chia sẻ.

Trong khi đó, những ngày này, về ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, không khó bắt gặp hình ảnh những mâm mứt mãng cầu được phơi đầy trước sân nhà. Đây cũng là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập khá cho chị em hội viên phụ nữ của ấp vào mỗi dịp tết.

Bà Lê Thúy Hằng, ở ấp Ba Ngàn, cho biết: “Khoảng 3 năm nay, cứ đến cận tết là tôi làm mứt mãng cầu bán. Tuy số lượng làm ra chỉ hơn 100kg nhưng nguồn thu mang về cũng đảm bảo đủ cho việc mua sắm, tiêu xài trong mấy ngày tết cho cả gia đình”.

Cách nay 3 năm, để tận dụng những trái mãng cầu của vườn nhà có trọng lượng không đạt yêu cầu, mãng cầu chín mùi trước khi cắt bán cho thương lái, bà Hằng đã nghĩ ra việc làm mứt để gia đình dùng trong dịp tết và biếu người quen.

Nhờ sản phẩm mứt làm ra ngon, đảm bảo an toàn nên nhiều người dùng thử thấy thích nên đặt bà làm. Từ đó đến nay, bà duy trì việc sản xuất mứt bán tết cho đến nay với số lượng đơn hàng tăng mỗi năm.

“Năm rồi, tôi bán chỉ 40-50kg mứt, nhưng đến năm nay số lượng hàng khách đặt đã tăng lên hơn gấp đôi. Gần nửa tháng nay, mỗi ngày tôi phải làm đều đặn mới có đủ hàng. Nhận thấy nghề này làm có thu nhập khá, dễ làm nên tôi đã rủ thêm vài chị em ở xóm cùng làm theo để tăng nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập”, bà Hằng chia sẻ.

Hiện tại, ấp Ba Ngàn có gần 10 hộ chuyên làm mứt mãng cầu bán tết. Bình quân số lượng mứt cung ứng thị trường dịp tết này trên 500kg. Với giá bán 120.000 đồng/kg, trung bình mỗi hộ có thêm nguồn thu từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng/đợt mứt tết.

Để phát triển nghề này trong thời gian tới, bà Hằng chủ động gửi hàng tham gia hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm do hội phụ nữ địa phương tổ chức hoặc tham gia. Thông qua đó, bà muốn quảng bá sản phẩm của hội viên phụ nữ đến nhiều khách hàng hơn nữa.

Theo bà Hằng, do ở đây có lợi thế là nguồn nguyên liệu mãng cầu có sẵn trong vườn nhà nên chi phí đầu vào cho nghề này ít, lợi nhuận mang về sẽ cao hơn việc mình phải mua nguyên liệu làm. Mặt khác, do ở nông thôn nên chị em ít có công việc làm ổn định thường xuyên, do đó, nếu nghề làm mứt này phát triển thì đời sống chị em được nâng cao hơn.

Tạo được nguồn thu nhập tăng thêm kha khá, chị em đã giúp gia đình có được cái tết sung túc hơn...

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>