Thách thức từ biến đổi khí hậu

Bài 3: Chủ động ứng phó

28/04/2017 | 08:22 GMT+7

Ngành chức năng lẫn người dân Hậu Giang đã và đang chủ động thực hiện những giải pháp ứng phó được đánh giá là khá hiệu quả bước đầu, góp phần giảm thiểu thiệt hại đối với quá trình sản xuất nông nghiệp trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.

Ông Nguyễn Phú Quốc (phải) đã lựa chọn cây mãng cầu xiêm để sản xuất trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở xã Thuận Hòa.

Trước đây, người dân ở xã Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa của huyện Long Mỹ thường canh tác 3 vụ lúa/năm. Nhưng do những năm gần đây, thời tiết, khí hậu biến đổi khó lường, thường xảy ra mưa, bão gây ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lúc cuối vụ nên nhiều nông hộ đã quyết định từ bỏ lúa vụ 3 (Thu đông) để chuyển sang trồng màu, thả nuôi cá ruộng hay nuôi tôm sú.

Nhiều mô hình thiết thực

Ông Nguyễn Văn Sự, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình 2 lúa và 1 thủy sản luôn đạt cao hơn so với việc chuyên canh 3 vụ lúa trong năm. Ước tính với 4ha đất ruộng, làm 2 vụ lúa mỗi năm đã mang về cho gia đình tôi khoản thu nhập cả trăm triệu đồng. Riêng vụ cá ruộng, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận thu về được 15 triệu đồng”. Cũng theo ông Sự, hồi trước, hễ thu hoạch rơi vào giai đoạn mưa, bão kéo dài là coi như lúa vụ 3 năm đó mất trắng. Bởi lúa bị sập, chi phí nhân công cắt, thùng suốt tăng cao, mà sản phẩm làm ra luôn bị thương lái ép giá.

Cho nên hơn 3 năm nay, ông đã bỏ hẳn lúa vụ 3 mà chuyển sang thả nuôi cá ruộng. Mặt khác, ông Sự còn quan tâm nâng cao bờ bao xung quanh, lắp đặt hệ thống cống điều tiết nước… nhằm giảm nhẹ thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Tương tự, trước đây, hộ ông Trần Phú Quốc, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, chuyên canh tác lúa nhưng năm nào lúa được mùa, trúng giá lắm thì mỗi công kiếm lời hơn 1 triệu đồng. Vì vậy, dù rất cần cù nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn thiếu trước hụt sau. Hơn nữa, vùng đất nơi ông Quốc đang canh tác bị nhiễm phèn, mặn khá nặng, vào mùa khô lại thiếu nước ngọt trầm trọng nên trồng lúa đạt năng suất không cao.

Vào năm 2014, thấy cây mãng cầu xiêm ghép bình bát dễ trồng nên ông quyết định thuê người lên bờ bao, chuyển 2 công đất lúa sang trồng loại cây này. Ông Quốc chia sẻ: “Thật bất ngờ, năm vừa qua, tôi bán được 5,3 tấn trái mãng cầu xiêm, với giá trung bình 22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 70 triệu đồng và thu nhập của năm nay cũng không kém hơn năm trước. Thấy có hiệu quả, tôi đã quyết định đầu tư, mở rộng diện tích trồng mãng cầu thêm 1 công đất nữa. Bởi ngoài cho thu nhập cao, mãng cầu xiêm còn có lợi thế thích nghi rất tốt với vùng đất phèn, mặn, hạn hán kéo dài. Minh chứng là nhiều diện tích lúa của bà con xung quanh năm rồi bị thiệt hại nặng do thiếu nước tưới thì vườn mãng cầu của tôi vẫn trổ bông, ra trái rất sai”.

 Là địa bàn lần đầu tiên bị ảnh hưởng nhưng đợt hạn, mặn trong những tháng mùa khô của năm vừa qua, vườn cam rộng 1,6ha của ông Nguyễn Văn Quyển, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp vẫn xanh tốt. Một phần là nhờ ông chủ động trữ nước ngọt, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn cây. Ông Quyển cho hay: “Vào năm 2014, sau khi tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước của người bạn ở tỉnh Vĩnh Long, thấy được lợi ích lâu dài nên tôi về đầu tư 3 triệu đồng để mua thiết bị thực hiện ngay. So với tưới truyền thống thì hệ thống tưới phun sương, lượng nước tưới cho cây đều đặn hơn… Ngoài ra còn tiết kiệm thời gian, nhất là tiết kiệm lượng nước trong mùa khô từ 30-40%”.

Cần quyết liệt vào cuộc

Với kịch bản BĐKH được các nhà khoa học đưa ra thì trong tương lai không xa, Hậu Giang sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH. Do đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần phải vào cuộc quyết liệt hơn. Ông Đỗ Minh Đức, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp Hậu Giang, cho hay: Trước tình trạng BĐKH đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống, sản xuất của người dân, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn còn lại cho địa phương để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh. Hiện dự án này đã được đưa vào nguồn vốn trung hạn nên khả năng trong năm 2017 sẽ triển khai thực hiện trở lại.

 Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, ứng phó với BĐKH là một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về nhiều mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, không những của ĐBSCL mà còn của cả nước. Nhất là thời gian qua, các chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước đã chú trọng hơn đối với công tác ứng phó BĐKH. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc đề xuất đầu tư các dự án, chương trình trọng điểm trong giai đoạn tới. Ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, nhận định: “BĐKH không còn là kịch bản hay dự báo nữa. Thực tế là nó đã có những tác động rất rõ nét, sâu sắc đến các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL”.

Vì thế, trong điều kiện khó khăn của cả nước, ông Phú đề xuất trước mắt, Hậu Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để cả cộng đồng cùng tham gia thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH. Đồng thời chú trọng các kinh nghiệm ứng phó tại chỗ và vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể ở cơ sở. Mặt khác, tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng, quan tâm cụ thể hơn giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác ứng phó BĐKH; cũng như tiếp tục tranh thủ kinh phí để cập nhật kế hoạch hành động theo kịch bản BĐKH quốc gia để điều tra, nghiên cứu trên từng địa bàn bị đe dọa, nhằm chuẩn bị phương án ứng phó tốt nhất.

Còn về lâu dài, ông Hồ Văn Phú cho rằng: Ngành sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng thông tin dự án ứng phó với BĐKH và nước biển dâng của tỉnh phù hợp với tiêu chí ưu tiên theo văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để tranh thủ nguồn vốn từ các dự án, chương trình. Song song đó, xây dựng “Bản đồ số xâm nhập mặn tỉnh Hậu Giang” để làm cơ sở thu thập, cập nhật dữ liệu đầy đủ, nhanh chóng. Ngoài ra, triển khai xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh, nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm nhẹ khả năng bị tổn hại do BĐKH gây ra.

Dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh có tổng vốn đầu tư gần 689 tỉ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Thế nhưng, Trung ương chỉ xét duyệt và phân bổ cho dự án (giai đoạn 2014-2016) là 425 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh mới giải ngân được 264,5 tỉ đồng. Cái khó khăn chủ yếu của dự án lúc này là thiếu nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng chậm.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>