Thực thi hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

25/09/2023 | 09:07 GMT+7

Qua 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chất lượng hoạt động giám sát của HĐND 3 cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, từ đó thể hiện được vị thế hoạt động giám sát của cơ quan dân cử tại địa phương.

Một buổi giám sát của HĐND tỉnh về công tác tiếp nhận, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Chuyển biến tích cực trong hoạt động giám sát

Báo cáo kết quả sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Hội nghị giao ban thường trực HĐND các cấp vừa qua, theo ông Trần Thanh Lâm, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, 7 năm qua, HĐND các cấp Hậu Giang đã bám sát quy định của luật, cụ thể hóa bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch của nhiệm kỳ, hàng năm và xác định thành phương hướng, nhiệm vụ hàng quý, hàng tháng để triển khai thực hiện. Nhờ đó, hoạt động giám sát của HĐND, thường trực, các ban HĐND được bảo đảm, có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, từ ngày 1-7-2016 đến nay, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 588 nghị quyết cá biệt về chương trình giám sát hàng năm của HĐND (trong đó, HĐND tỉnh 7 nghị quyết; cấp huyện có 56 nghị quyết; cấp xã có 525 nghị quyết). HĐND đã thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 58 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm triển khai, giám sát có hiệu quả, đảm bảo theo chương trình giám sát đề ra.

Đối với Thường trực HĐND, hàng năm, đã xây dựng chương trình giám sát, thực hiện giám sát 588 nội dung theo chuyên đề, đúng quy trình, thủ tục và chương trình đề ra. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào vấn đề thực tế xã hội quan tâm, hình thức giám sát đa dạng, phù hợp với thực tế tại địa phương. Qua hoạt động giám sát, đã giúp cơ quan chịu sự giám sát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Về phía các ban HĐND thường xuyên theo dõi, giám sát việc ban hành quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp, các nội dung giám sát chủ yếu về thẩm quyền ban hành, trình tự, thủ tục ban hành, thể thức các văn bản. Thời gian qua, hầu hết các văn bản của địa phương được ban hành đảm bảo quy định, một số văn bản ban hành có sai sót về nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày đã được các ban góp ý và đã khắc phục.

Tại các kỳ họp, HĐND đã tập trung xem xét, đánh giá các báo cáo theo quy định của luật và một số báo cáo khác theo tình hình thực tế. Cùng với đó, việc chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát quan trọng, thường xuyên trong các kỳ họp cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có tính thời sự, số lượng và chất lượng câu hỏi chất vấn được nâng lên, các câu hỏi đi sâu vào vấn đề, làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn. Sau phiên chất vấn, HĐND thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện…

Tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát

Mặc dù đạt nhiều kết quả, song theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, quá trình triển khai thi hành luật cũng có những tồn tại, hạn chế nhất định.

Cụ thể như, phần lớn đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên quỹ thời gian tham gia hoạt động dân cử còn ít, hiệu quả giám sát còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, nội dung giám sát rộng trên tất cả đời sống, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, một số hoạt động giám sát trên lĩnh vực chuyên môn sâu, mang tính đặc thù nên việc nghiên cứu đôi lúc chưa sâu.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại một số nơi ít ý kiến tranh luận, chưa đi thẳng vào vấn đề; việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đôi lúc chưa thường xuyên. Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri được chính quyền địa phương tiếp nhận nhưng nguồn lực chưa đảm bảo nên còn trường hợp chậm giải quyết.

Theo bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, triển khai hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND các cấp cần tiếp tục phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động giám sát của các cơ quan, của đại biểu HĐND cấp mình; tăng cường hơn nữa tính chủ động trong phát hiện vấn đề, lựa chọn vấn đề cần giám sát và xác định rõ chủ thể giám sát đối với những vấn đề cụ thể; mỗi cuộc giám sát cần phải được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, khoa học để đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, theo hướng “sâu sát”. Đối với giám sát chuyên đề, HĐND các cấp cần tăng cường và chú trọng hơn nữa giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; thường xuyên rà soát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp của HĐND các cấp để đề nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, nhất là các kiến nghị nhiều lần, kéo dài.

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>