Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế

26/12/2023 | 05:04 GMT+7

Tạo điều kiện để chị em phát triển kinh tế, nâng cao đời sống luôn là nhiệm vụ được Hội LHPN thị xã Long Mỹ chú trọng. Điển hình là các tổ hợp tác làm kinh tế tập thể giải quyết nhu cầu việc làm cho phụ nữ.

Chị Đỏ thu hoạch mít.

Hội LHPN xã Long Trị quan tâm xác định tiềm năng sẵn có của địa phương và nhu cầu thực tế thị trường đang cần sản phẩm nông nghiệp nào để đáp ứng. Từ đó, hội thành lập Tổ hợp tác “Trồng mít ấp 8”, ở ấp 8, xã Long Trị, gồm 21 thành viên là các hộ dân đã, đang trồng mít Thái trên địa bàn.

Tổ do ông Nguyễn Văn Thuấn làm Tổ trưởng vì có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái. “Mít Thái có giá dao động tùy năm, nhưng trung bình thì rơi vào khoảng 15.000 đồng/kg, với 1ha trồng 1.000 gốc mít, tôi thu hoạch gần 20 tấn, nếu trừ các chi phí, lợi nhuận mang lại cũng hơn 300 triệu đồng/năm”, ông Thuấn chia sẻ.

Chị Huỳnh Thị Đỏ là một trong 6 thành viên nữ được Hội LHPN xã vận động tham gia Tổ hợp tác này.

Theo chị Đỏ, trước đây việc trồng quýt của nhà cũng có thu nhập khá, nhưng do chưa nắm được kỹ thuật thiết yếu, thế là cây bệnh, chết nhiều. Năm 2020, được vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị chuyển 3 công đất sang trồng 300 gốc mít Thái, cách 3m xen canh với củ lùn để “lấy ngắn nuôi dài”.

Hiện củ lùn đã cho thu hoạch, trừ phí nhân công, chị lời 30 triệu đồng; và cây chủ lực mít Thái vừa qua cũng đã thu hoạch vụ đầu tiên hơn 6 tấn, lời hơn 100 triệu đồng. “Tôi được mấy chú, mấy cô dặn dò, hướng dẫn kỹ lắm cách chăm sóc cây trồng nên khi thu hoạch vụ đầu tiên cũng tương đối khá”, chị Đỏ phấn khởi nói.

Việc trồng đến khi mít Thái cho thu hoạch cũng không đơn giản. Thời gian từ trồng đến khi bắt đầu cho trái, phân đoạn xử lý phải vô cùng cẩn thận, như tỉa những cành sâu bệnh để cây thông thoáng nhằm tăng năng suất và mang tính thẩm mỹ, cho đến khâu phòng trừ sâu, bệnh hại, nhất là hiện tượng xơ đen, da không bóng... Đặc biệt, mít này rất sợ úng nên vào mùa mưa, phải kiểm tra kênh mương cống rãnh để thoát nước.

Cũng chính vì thế mà việc liên kết các hộ gia đình có cùng ngành nghề chung ấp để phát triển kinh tế tập thể là hướng đi bền vững cho vùng nông thôn, nhất là chị em làm kinh tế khi tham gia vào các tổ hợp tác; các thành viên sẽ hỗ trợ lẫn nhau và nhận hỗ trợ của các cấp hội từ thị xã đến tỉnh về nguồn vốn, quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm…

Bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Trị, cho biết: “Để Tổ hợp tác có hiệu quả, chúng tôi họp lệ hàng tháng. Trong buổi họp có định hướng làm ăn hiệu quả cho các thành viên, tạo điều kiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các thành viên, tổ chức các lớp tập huấn hoặc tham quan, học tập mô hình tại địa phương và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các anh, chị có tuổi nghề lâu năm cũng có nguồn liên kết mua vật tư đầu vào, tìm đầu ra và bán sản phẩm để hỗ trợ thành viên tổ này”.

Qua việc thành lập, tham gia Tổ hợp tác “Trồng mít ấp 8”, Hội LHPN xã Long Trị đã phát huy vai trò của mình giúp chị em tăng thu nhập, làm kinh tế theo hướng bền vững, từng bước vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Theo Hội LHPN thị xã Long Mỹ, năm 2023 đã thành lập mới 1 hợp tác xã, 4 tổ phụ nữ, 6 câu lạc bộ, 23 mô hình và 3 tổ hợp tác, cùng 2 điểm liên kết tiêu thụ sản phẩm, đa số liên quan đến việc phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ. Với mong muốn giúp các chị em có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, phát huy vai trò của tổ chức hội, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>