Thiết thực Đề án Hậu Giang xanh

28/12/2023 | 05:06 GMT+7

Năm 2023, các địa phương đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và cùng với sự đồng thuận, chung tay thực hiện Đề án Hậu Giang xanh trong cộng đồng đã tạo cho môi trường thêm trong lành, là nơi đáng sống. 

Các ngành, đoàn thể ở địa phương ra quân dọn dẹp, vệ sinh môi trường.

Cảnh quan môi trường sạch đẹp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, trong năm qua được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công cụ thể theo Đề án và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đó Đề án Hậu Giang xanh đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực gắn liền với hoạt động hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, do đó việc triển khai có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện cho các mô hình thực hiện có hiệu quả, phát triển với quy mô rộng hơn. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 525 ấp, khu vực đã đưa nội dung về bảo vệ môi trường trong quy chế, quy ước cộng đồng; 75 xã, phường, thị trấn đã đưa nội dung việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy chế, quy ước vào bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch thì quan tâm về cảnh quan môi trường trong việc bình xét, suy tôn danh hiệu người tốt việc tốt, gia đình văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu, ấp, khu vực văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, chợ văn minh, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đơn vị có môi trường văn hóa tốt, trường học thân thiện, học sinh tích cực, chỉ đạo phát triển mô hình con đường đẹp, mô hình tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, mô hình cây xanh nơi làm việc. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức cuộc thi mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp trên địa bàn tỉnh lần thứ IX giai đoạn 2023-2024. Việc làm này đã góp phần tích cực làm cho cảnh quan môi trường từ thành thị đến nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. 

Để nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã thường xuyên rà soát, tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch, không phù hợp quy hoạch thực hiện lộ trình giảm đàn phù hợp và di dời đến nơi phù hợp quy hoạch. Hướng dẫn những hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch thực hiện cải tạo, nâng cấp chuồng trại, ao nuôi, biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điển hình trong năm, về chăn nuôi gia súc, gia cầm toàn tỉnh hiện có 42.137 hộ chăn nuôi phù hợp quy hoạch thì trong đó xử lý chất thải hợp vệ sinh môi trường 39.459 hộ. Cuối năm 2022 còn 1.443 hộ và trong năm 2023 phát sinh thêm 123 hộ chăn nuôi không phù hợp quy hoạch, đã vận động giảm được 850 hộ, hiện còn 716 hộ. Hiện toàn tỉnh có 10.030 hộ nuôi thủy sản phù hợp quy hoạch thì trong đó xử lý chất thải hợp vệ sinh môi trường là 9.543 hộ. Cuối năm 2022 còn 348 hộ và trong năm 2023 phát sinh thêm 181 hộ nuôi không phù hợp quy hoạch, đã vận động giảm được 259 hộ, hiện còn 270 hộ.

Nhiều hoạt động thu gom, xử lý rác

Để giải quyết vấn đề nan giải về rác thải, nâng cao ý thức người dân trong thực hiện phân loại rác, không còn vứt rác bừa bãi, trong năm 2023 tỉnh đã tăng cường nguồn lực cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, củng cố, thành lập mới và triển khai hoạt động tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực tại địa phương. Theo đó đã củng cố, thành lập mới 441 tổ vệ sinh môi trường và trong đó có 373 tổ đi vào hoạt động.

Đồng thời, triển khai thực hiện dự án xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Cho đến nay các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai hoàn thành dự án xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường được 1.031 xe kéo tay thu gom rác sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật và 1.498 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, 4.146 thùng rác tạo cảnh quan tại trục lộ giao thông có bờ kè, công viên ở các trung tâm đô thị và thùng rác để tổ vệ sinh môi trường lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết, đồng thời trồng được 68.504 cây bóng mát, cây hoa kiểng.

Ngoài ra, ngành chức năng và hội đoàn thể phối hợp cùng doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để tổ chức thu gom, thu hồi xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Trong năm đã thu gom, chuyển giao xử lý 18.370kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Ông Trần Văn Lức, Tổ kỹ thuật xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho biết: Để bảo vệ môi trường, trong canh tác lúa, xã có tập huấn cho người dân kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng và 1 phải 5 giảm, hạn chế phun thuốc trừ sâu trong 40 ngày đầu. Đồng thời, tuyên truyền người dân để chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đúng quy định. Hiện mỗi ấp xây dựng được 6 hố chứa, toàn xã có tổng 30 hố và 10 thùng đẩy đựng chai, lọ, thuốc bảo vệ thực vật. 

Còn ông Nguyễn Thanh Tâm, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho hay: “Gia đình tôi nêu cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe người thân cũng như cộng đồng. Trong sản xuất lúa, tôi áp dụng mô hình sinh thái trên các bờ kênh của ruộng để dẫn dụ thiên địch mà còn tăng mỹ quan môi trường. Đối với chai, lọ, thuốc bảo vệ thực vật thì có kho bảo quản và sau khi sử dụng thì bao bì để đúng nơi quy định”.

Bà Lê Thị Thùy Như, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, cho biết: Phải khẳng định rằng, việc thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Từ khi thực hiện đề án, qua công tác tuyên truyền người dân đã ý thức được việc thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình và khu vực công cộng, hạn chế được việc vứt rác thải bừa bãi. Điển hình một số chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị đạt 30,6% và ở nông thôn 30,17%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở đô thị đạt 96% và ở nông thôn là 90,6%. Huyện cũng giải quyết được 173 hộ chăn nuôi gia súc không phù hợp với quy hoạch, đạt tỷ lệ 67,3%; 8 hộ nuôi trồng thủy sản không phù hợp với quy hoạch, đạt tỷ lệ 66,7%.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, trong thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân ở mỗi xã, thị trấn. Tiếp tục nhân rộng, thành lập và duy trì hoạt động tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực, đồng thời phấn đấu đạt 80% trong tổng số ấp, khu vực ở mỗi xã, thị trấn và đầu tư, hỗ trợ xe kéo, xe đẩy tay cho tổ vệ sinh môi trường được thành lập mới ở 9 ấp, khu vực. Tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý đạt 40% khối lượng phát sinh. Tiếp tục nhân rộng và duy trì mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị và nông thôn, phấn đấu có 45% hộ gia đình ở nội ô đô thị lớn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và 45% lượng rác sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Kết quả thực hiện các mục tiêu theo Đề án Hậu Giang xanh năm 2023, trong đó chỉ tiêu tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đạt 84,99%. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 64,46%, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở đô thị đạt 90,61% và ở nông thôn 60,08%. 

 

Bài, ảnh: T.XOÀN 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>