Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới giảm nhiều sau 4 năm

29/12/2023 | 08:28 GMT+7

Kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh năm 2022 vừa được công bố, tỷ lệ người hút thuốc lá giảm so với cuộc điều tra năm 2018, trong đó giảm nhiều nhất ở nữ giới. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Chúc (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, xoay quanh kết quả này.

Ông có thể thông tin cụ thể hơn về kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh ?

- Cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh đã thực hiện cuộc điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh năm 2022 bằng phương pháp nghiên cứu cắt ngang với đối tượng nghiên cứu là người dân từ 15 tuổi trở lên trong cộng đồng. Chúng tôi đã thực hiện điều tra 2.400 người, gồm 1.200 nam và 1.200 nữ.

Qua kết quả điều tra có 95,5% đối tượng nghiên cứu cho rằng thuốc lá gây ra bệnh ung thư phổi.

Kết quả điều tra tỉnh có tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành là 44,5%, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới là 1,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá chung của nam và nữ là 22,8%. Có 24,5% đối tượng nghiên cứu đã từng nghe về thuốc lá điện tử, 1,6% đối tượng nghiên cứu đang sử dụng thuốc lá điện tử.

Về thực trạng hút thuốc lá thụ động, có 38,2% bị phơi nhiễm với thuốc lá trong nhà. Có 45,4% đối tượng nghiên cứu có phơi nhiễm với yếu tố trong nhà và 28% đối tượng nghiên cứu có phơi nhiễm thuốc lá tại nơi làm việc. Về kiến thức, thái độ và nhận thức của đối tượng nghiên cứu, có 95,5% cho rằng thuốc lá gây ra bệnh ung thư phổi và 63,1% đã được nghe về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Vậy thực trạng hút thuốc lá ở tỉnh đã giảm như thế nào so với cuộc điều tra năm 2018, thưa ông ?

- Năm 2018, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã hỗ trợ thực hiện nghiên cứu thì tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 46,8% và nữ giới chiếm 7,3%. Như vậy, sau 4 năm thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở cả nam và nữ lần lượt là 2,3% và 6,1%. Qua nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết người dân đều biết tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, nhất là gây bệnh ung thư phổi.

Tỷ lệ giảm cũng nằm trong xu thế chung của cả nước. Ở nước ta, qua nghiên cứu năm 2010, có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Đến năm 2015, có giảm nhưng vẫn ở mức cao 45,3%. Năm 2020, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá hỗ trợ cho 34 tỉnh, thành phố để thực hiện nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá và tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, lúc đó tỷ lệ nam giới 42,3%, nữ giới 1,7%.

Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines.

Vậy trong thời gian tới, những hoạt động nào cần được quan tâm thực hiện, thưa ông ?

- Điều quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền về luật và tác hại của thuốc lá, trong đó lưu ý đến những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, đặc biệt quan tâm tới đối tượng thanh niên. Xác định phòng chống tác hại của thuốc lá là trách nhiệm của cộng đồng, không phải riêng ngành y tế. Quản lý chặt hơn nữa việc sản xuất, mua bán, phân phối, thuốc lá lậu, giảm người bán thuốc nhỏ lẻ. Cần tăng cường thanh kiểm tra để đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá nghiêm túc.

Xin cảm ơn ông !

TRÀ MI thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>