Thiếu giáo viên - Bài toán nhiều năm chưa giải xong !

20/09/2023 | 10:00 GMT+7

Dù Hậu Giang có sự quan tâm đặc biệt đến tuyển dụng giáo viên, HĐND tỉnh có hẳn nghị quyết quy định chính sách thu hút với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên ở một số môn đặc thù, thông báo tuyển dụng luôn được phát đi, nhưng tuyển vẫn không đủ.

Bài 2: Lo chuyện này chưa xong, chuyện khác lại tới...

Tuyển giáo viên đã gian nan, nhưng từ năm 2020 đến nay có đến 260 giáo viên tại tỉnh nghỉ việc. Điều này khiến ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà rơi vào thế: Lo chuyện này chưa xong thì chuyện khác lại tới.

Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để có học sinh, thì phải có giáo viên giảng dạy lớp.

Phân cấp quản lý đang gây khó khăn ?

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Mặc dù ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều giải pháp khắc phục quyết liệt trong việc thiếu giáo viên nhưng hàng năm vẫn thiếu. Điểm khó là do việc phân cấp quản lý, sở quản lý các trường THPT, các địa phương quản lý từ mầm non đến THCS dẫn đến công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập, thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn. Cơ quan chuyên môn là sở, phòng giáo dục và đào tạo chỉ là đơn vị tham mưu, không phải là đơn vị chủ trì về tuyển dụng nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi về cơ cấu môn học nên thiếu nhiều ở các môn chuyên âm nhạc, tin học, tiếng Anh, mỹ thuật”.

Thực tế, tuyển dụng giáo viên trong các năm qua của tỉnh đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Từ năm 2020, khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, trình độ đào tạo của các cấp học mầm non, tiểu học và THCS đều nâng lên. Điều kiện về tiêu chuẩn của người dự tuyển phải đạt trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 (cấp học mầm non đạt chuẩn trình độ phải cao đẳng, cấp tiểu học đến THPT phải là đại học). Do đó tỉnh không đủ nguồn dự tuyển đảm bảo trình độ theo từng cấp học.

Các địa phương còn biên chế nhưng không tuyển dụng được, còn đến 636 biên chế chưa sử dụng do khan hiếm nguồn giáo viên, nên đã thiếu giáo viên theo định mức và còn thiếu giáo viên trong nguồn biên chế được giao.

Đặc biệt, thực trạng giáo viên nghỉ việc có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn, làm tăng thêm áp lực thiếu giáo viên. Từ năm 2020 đến nay, toàn ngành có đến 260 giáo viên nghỉ việc, nguyên nhân là do chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn. Bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Biên chế giao cho ngành chưa đủ theo định mức các Thông tư, từ khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, từ năm 2017 đến nay biên chế viên chức giao cho ngành giáo dục cơ bản không tăng, năm 2018 giảm 354 biên chế, năm 2019 và năm 2020 được tăng 120 biên chế. Đến năm 2023 được giao thêm 199 biên chế. Như vậy từ năm 2017-2023, toàn ngành giáo dục biến động giảm 35 biên chế, trong khi đó, số học sinh và số lớp ngày càng tăng”.

Thiếu giáo viên kéo dài cũng trở thành nguyên nhân ảnh hưởng nhiều đến lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tại các trường. Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, cho biết: “Lộ trình nâng trình độ chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 kéo dài đến năm 2030, tuy nhiên đó không phải là thời gian dài, nên chúng tôi không chủ quan. Yêu cầu từng trường tính toán số lượng cử ai đi học trước, ai đi học sau phù hợp, việc sắp xếp học tập bồi dưỡng cũng rất là căn nhắc, thực hiện sao cho linh động, phù hợp theo tình hình thực tế đơn vị, tránh bỏ lớp, bỏ trường, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.

“Đã tuyển giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định”

Ông Phan Văn Nhớ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên là điều chúng tôi quan tâm nhất trong năm học mới. Thành phố thiếu nhiều là giáo viên cấp tiểu học, công tác tuyển dụng giáo viên trong các năm qua đều chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch”.

Năm học 2023-2024, thành phố Vị Thanh còn thiếu 41 giáo viên. Trong đó, mầm non, mẫu giáo thiếu 5, tiểu học thiếu 27 giáo viên, THCS thiếu 9 giáo viên và thiếu 71 nhân viên ở các cấp học. Giải pháp tạm thời là các trường bố trí hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách đứng lớp hỗ trợ trong thời gian chờ UBND thành phố tuyển bổ sung.

Thiếu 4 giáo viên giảng dạy cho năm học mới, bà Trần Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Thông báo tuyển nhưng chưa có giáo viên nào nộp hồ sơ, giải pháp tình thế là trường chỉ tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho khối lớp 1, 2, 3, 4, ưu tiên đủ giáo viên các khối lớp này. Trường thiếu 3 giáo viên chủ nhiệm lớp 5, 1 giáo viên dạy tin học nên tạm thời sẽ chuyển khối lớp 5 về học 1 buổi/ngày, giáo viên dạy buổi sáng hỗ trợ dạy 3 lớp buổi chiều, Ban giám hiệu cũng phân công nhau đứng lớp trong giai đoạn chưa tuyển đủ giáo viên hiện nay. Khi đã có giáo viên, sẽ tổ chức dạy 2 buổi/ngày lại cho lớp 5”.

Cũng có những ý kiến đề xuất khá thực tế và có thể xem là... táo bạo, như ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Huyện thiếu hơn 100 giáo viên ở các cấp học, khoảng 62 lớp không có giáo viên giảng dạy. Chúng tôi đề xuất 3 giải pháp, kiến nghị: Cho phép phòng được hợp đồng giáo viên dưới chuẩn nhưng giáo viên đó đang trong quá trình học nâng chuẩn để đảm bảo đạt chuẩn trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục 2019; UBND tỉnh cho phép huyện được hợp đồng số giáo viên biên chế chưa tuyển được; cho phép bố trí dạy học 1 buổi/ngày, sử dụng giáo viên dạy buổi sáng để dạy học sinh buổi chiều… làm sao có học sinh phải có giáo viên dạy”.

Năm học 2022-2023, Hậu Giang thiếu 846 giáo viên ở các cấp học, sang năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục và đào tạo thiếu gần 1.200 giáo viên. Nhiều nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo tiểu học, thiếu nhiều là giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc và mỹ thuật. Nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non đã được tỉnh ban hành. Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 21 Quy định số lượng người hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Năm học 2023-2024, HĐND tỉnh giao số lượng hợp đồng giáo viên toàn tỉnh là 427 người. Bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Các địa phương sẽ căn cứ vào số lượng này để hợp đồng giáo viên tạm thời trong năm học. Ngành giáo dục tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Phân công giáo viên dạy liên trường để đảm bảo tiết dạy của giáo viên theo quy định”.

Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Mức thu hút 50 triệu đồng/giáo viên, để thu hút tuyển dụng đội ngũ giáo viên thiếu ở các môn chuyên này.

Năm 2023, tiếp tục thực hiện giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang đào tạo 40 chỉ tiêu cao đẳng mầm non cho tỉnh. Đến nay đã được 3 năm với 120 chỉ tiêu. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ có 40 giáo viên mầm non được đào tạo xong.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, tỉnh đã có sự quan tâm, kịp thời ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù riêng cho ngành giáo dục và đào tạo để thu hút nguồn nhân lực nói chung, hỗ trợ điều kiện để ngành tuyển đủ giáo viên trong thời gian tới. Đây chính là những thuận lợi để ngành tích cực nỗ lực để vượt khó, từng bước giải bài toán thiếu giáo viên hiện nay. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chính sách thu hút giáo viên. Trên tinh thần chung, tuyển giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định, có học sinh phải có giáo viên đứng lớp giảng dạy”.

Toàn tỉnh có 317 trường học từ mầm non đến THPT, với tổng số học sinh huy động đến nay là 153.869/158.100 học sinh. Toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có tổng số 9.780 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 752 cán bộ quản lý, 9.028 chuyên viên, giáo viên và nhân viên thuộc các cấp học, toàn ngành hiện có 283 thạc sĩ.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>