Tiếp sức hộ nghèo

07/03/2018 | 08:12 GMT+7

Với sự hỗ trợ nguồn vốn từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã cải thiện cuộc sống…

Bên hiên nhà ông Lê Văn Nghĩa, ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đang bó lục bình phơi khô thành từng bó để bán cho khách hàng. Theo ông Nghĩa, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, ông đã thuê bãi nuôi lục bình nên đời sống kinh tế gia đình ông được ổn định hơn. Trước đây, ông Nghĩa chỉ nuôi lục bình trên diện tích 2.000m2 mặt nước của gia đình. Dù vợ chồng ông cố gắng làm lụng, nhưng cái nghèo mãi đeo bám, cuộc sống cứ túng thiếu quanh năm, nên ông mong muốn có nguồn vốn để gia đình thuê bãi nuôi lục bình, nhằm giúp kinh tế cải thiện. Xét thấy ông bà chí thú làm ăn, địa phương đã hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo để thực hiện mô hình. Từ số tiền có được, ông Nghĩa đã mua vỏ máy phục vụ cho công việc cắt và vận chuyển lục bình hết 4 triệu đồng. Số tiền còn lại ông thuê 6.000m2 diện tích mặt nước để trồng lục bình (giá thuê 6 triệu đồng/năm).

Nhờ thực hiện mô hình nuôi trồng lục bình, đời sống gia đình ông Nghĩa được cải thiện.

Không chỉ được hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mô hình làm ăn, trong năm vừa qua, gia đình ông còn được hỗ trợ cất nhà, được tham gia lớp nuôi cá trê. Hiện cá đang phát triển, khoảng 20 ngày nữa sẽ xuất bán. Với tinh thần chịu khó, cần cù lao động, đời sống gia đình ông Nghĩa đã được cải thiện và vươn lên thoát nghèo trong năm 2017 vừa qua. “Dẫu cuộc sống gia đình cũng còn khó khăn, nhưng tôi xin tự nguyện thoát nghèo để nhường chế độ lại cho những hộ còn nhiều khó khăn hơn, để mọi người có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo”, ông Nghĩa bày tỏ. Được biết, ông Nghĩa được vay vốn không tính lãi suất trong 2 năm, năm đầu tiên ông đã trả được 5 triệu đồng, còn 5 triệu đồng còn lại ông sẽ trả trong năm 2018 này.

Cũng được hỗ trợ vốn như ông Nghĩa, anh Võ Văn Thum, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đã đầu tư vào mô hình nuôi rắn ri voi. Theo anh Thum, nhà chỉ có 2 công đất trồng khóm, nhưng khóm bị chết. Vì thế, anh chuyển sang trồng mía, song giá mía cũng sụt giảm, cho nên kinh tế gia đình khó khăn hơn. Thấy người anh nuôi rắn ri voi cho thu nhập khá, nên sau khi được hỗ trợ vốn anh đã mua rắn về nuôi, hy vọng kinh tế gia đình phát triển từ mô hình này. Anh Thum chia sẻ: “Dự án thực hiện không chỉ giúp gia đình có thêm nguồn vốn để đầu tư vào mô hình, mà đó còn là sự quan tâm chia sẻ, động viên của các ngành, các cấp. Từ đó, tiếp thêm động lực, để gia đình phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.

Trong năm 2017, xã Hỏa Tiến có 24 hộ được hỗ trợ vốn từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Mỗi hộ được vay từ 10-15 triệu đồng vốn không tính lãi suất để thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, dự án được thực hiện đã giúp hộ nghèo có thêm nguồn vốn sản xuất, từ đó, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong năm 2017, tất cả 24 hộ được hỗ trợ vốn đều thoát nghèo.

Không riêng xã Hỏa Tiến, người nghèo ở xã Phú An, huyện Châu Thành, cũng được hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trong năm 2017. Bà Võ Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết: “Địa phương được hỗ trợ 200 triệu đồng để thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, với 12 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo tham gia. Từ số vốn hỗ trợ, mọi người đã thực hiện các mô hình như trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó, đời sống kinh tế đã được cải thiện đáng kể”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, dự án đã được triển khai thực hiện với quy trình hỗ trợ tương đối chặt chẽ, có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, góp phần tác động đến nhận thức của người dân. Sau khi mô hình được triển khai thực hiện, hộ nghèo có vốn để đầu tư, từ đó chủ động hơn trong sản xuất, chăn nuôi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo. Ngoài ra, trên cơ sở mô hình được triển khai thực hiện cũng làm tiền đề để các địa phương nhân rộng cho những hộ khác thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững...

Trong năm 2017, có 213 hộ nghèo, cận nghèo thuộc các xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh), xã Phú An (huyện Châu Thành), xã Hòa An, xã Tân Bình, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp), xã Lương Nghĩa, xã Xà Phiên, xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ) được hỗ trợ vốn từ dự án mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí trên 1,9 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>