Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, góp phần giảm nghèo bền vững

26/09/2023 | 10:43 GMT+7

Để kịp thời hỗ trợ các địa phương trong triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huyện Châu Thành A đẩy mạnh nội dung giám sát thuộc Dự án 7 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Qua giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã giúp các địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Ông Hà Văn Chính, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Nhằm đánh giá hiệu quả công tác giảm nghèo, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện tổ chức các đoàn giám sát công tác triển khai thực hiện chỉ đạo điều hành; giám sát xây dựng các văn bản trong quá trình thực hiện chương trình; công tác triển khai các chế độ, chính sách… tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn”.

Thông qua công tác giám sát các phòng, ban và xã, thị trấn có dịp chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình của địa phương. Đề xuất, kiến nghị các vấn đề cần được hỗ trợ từ trên để thực hiện hiệu quả chương trình trong thời gian tới.

Anh Trần Hoàng Nghĩa, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Tân Hòa, bộc bạch: “Trong quá trình triển khai, địa phương vẫn còn khá lúng túng trong nghiên cứu, áp dụng thực hiện các văn bản hướng dẫn của trung ương, tỉnh, huyện… Vì vậy, vẫn có một số dự án, tiểu dự án thực hiện đôi khi còn chậm. Tuy nhiên, sau khi được đoàn kiểm tra, giám sát của huyện hướng dẫn cụ thể hiện tại, các dự án, tiểu dự án đã và đang được thực hiện trôi chảy, có hiệu quả bước đầu. Đối với một số dự án triển khai chậm, địa phương đã tăng cường phối hợp với các ngành liên quan chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ, có hướng dẫn cụ thể để các ấp thực hiện dễ dàng hơn”.

Đối với thị trấn Rạch Gòi, qua các buổi kiểm tra, giám sát của huyện, giúp địa phương kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách đến hộ nghèo, cận nghèo như: bảo hiểm y tế, tiền điện hàng tháng… đầy đủ. Anh Võ Minh Tâm, công chức văn hóa - xã hội UBND thị trấn Rạch Gòi, bộc bạch: “Địa phương đã triển khai cơ chế, chính sách có liên quan đến hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn khá đảm bảo. Từ khảo sát thực tế, địa phương mở lớp đào tạo nghề; các hộ thiếu tư liệu sản xuất được tạo điều kiện giải quyết việc làm. Ngoài ra, địa phương còn tập trung vận động xã hội hóa và tham mưu các cấp hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho những hộ gặp khó khăn về nhà ở…”.

Trên địa bàn thị trấn Rạch Gòi còn 44 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,82% và 74 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,06%, địa phương phấn đấu thoát 12 hộ nghèo vào cuối năm nay.

Tháo gỡ khó khăn kịp thời, đồng bộ

Trên địa bàn huyện Châu Thành A hiện còn 648 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,42% và 828 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,09%. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, toàn huyện phấn đấu giảm 0,7% tỷ lệ hộ nghèo. Để đạt mục tiêu đề ra, địa phương đang phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; xây dựng và phê duyệt nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, địa phương xác định công tác giám sát đánh giá thường xuyên sẽ góp phần rất lớn. “Thực hiện Dự án 7, với Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho 250 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá, UBND huyện đã tổ chức giám sát 1 đợt tại 10/10 xã, thị trấn. Dự kiến, từ đây đến cuối năm địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát thêm 2 đợt nữa tại các địa phương. Qua đây, không chỉ giám sát các dự án thực hiện, mà còn có thể giám sát trực tiếp đến hộ nghèo tại các địa phương…”, ông Hà Văn Chính, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Châu Thành A, chia sẻ thêm.

Dự án 7 về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kế hoạch được triển khai với mục đích nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp; hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; thiết lập quy trình, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý; tăng cường công tác giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững và đúng quy định.

Thực hiện Dự án 7 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình, với Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho 250 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá, UBND huyện đã tiến hành tại 10/10 xã, thị trấn.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>