Vì sao nông dân châu Âu đồng loạt biểu tình ?

19/01/2024 | 08:29 GMT+7

Giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm sút đã khiến nhiều nông dân châu Âu đồng loạt biểu tình.

Nông dân lái máy kéo tham gia cuộc biểu tình tại Wiesbaden, Đức, ngày 8-1. Ảnh: THX/TTXVN

Đức là quốc gia châu Âu mới nhất chịu tác động bởi làn sóng phản đối của giới nông dân. Trong tuần trước, làn sóng nông dân đã biểu tình, đưa máy cày chặn các lối vào cao tốc, gây gián đoạn giao thông khắp nước Đức. Họ phản đối kế hoạch từ chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz chủ trương xóa bỏ mức giảm thuế với nhiên liệu họ sử dụng. Những ngày qua, người biểu tình còn bao vây Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khi ông cố gắng xuống phà trong kỳ nghỉ cùng gia đình.

Cảnh sát Đức hôm 15-1 ước tính có ít nhất 3.000 máy kéo đã tham gia cuộc biểu tình. Trong khi đó, khoảng 2.000 máy kéo nữa đang trên đường đến “góp mặt” vào cuộc tuần hành kéo dài một tuần này. Các máy kéo này đã chặn giao thông ở nhiều nơi trong thành phố Berlin.

Cơ quan Vận tải công cộng Berlin đã báo cáo về tình trạng các dịch vụ giao thông bị chậm trễ, gián đoạn do cuộc biểu tình này. Tuy nhiên, cảnh sát thành phố Berlin dự đoán sẽ có nhiều người tham gia hơn. Hiện Đức đã huy động hơn 1.300 cảnh sát để kiểm soát, kiềm chế các cuộc biểu tình của nông dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner dự kiến sẽ thảo luận với đại diện hiệp hội nông dân và công đoàn, cũng như phát biểu trước những người biểu tình.

Trước đó, Berlin đã công bố kế hoạch cắt giảm trợ cấp và dừng giảm thuế đối với xe chạy bằng diesel và xe nông nghiệp sau khi việc trợ cấp này gây thiếu hụt hàng tỉ Euro trong ngân sách chính phủ, buộc chính quyền của Thủ tướng Scholz phải tìm cách tiết kiệm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lindner nói với hàng ngàn nông dân biểu tình hôm 15-1 rằng chính phủ không còn tiền để tiếp tục việc trợ cấp. Chính phủ Đức chỉ ra rằng thu nhập của nông dân đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo số liệu của ngành, trong năm tài chính 2022-2023, các trang trại nông nghiệp đã đạt lợi nhuận kỷ lục trung bình 115.400 Euro (126.000 USD), tăng 45% so với năm trước đó.

Trong một động thái liên quan, ngày 4-1 Chính phủ Đức cho biết, việc miễn thuế đối với xe nông nghiệp sẽ được giữ nguyên và việc cắt giảm thuế diesel sẽ được thực hiện theo lộ trình trong 3 năm. Tuy nhiên, các nông dân cho rằng những nhượng bộ của chính phủ là chưa đủ.

Không chỉ Đức, các cuộc biểu tình đã và đang diễn ra khắp châu Âu. Nhiều nông dân chia sẻ rằng, họ đang bị dồn vào chân tường bởi các biện pháp mới của Liên minh châu Âu (EU) và chi phí tăng cao. Giá phân bón và nhiên liệu tăng vọt ở châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, người nông dân cho biết họ đang đối mặt với sức ép trên khắp lục địa.

Ở Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp, nông dân cũng thể hiện bất bình về tác động của các kế hoạch cải cách môi trường và chi phí cao. Nông dân Tây Ban Nha đã xuống đường ở Madrid vào tháng 1-2023 sau khi chính phủ công bố kế hoạch hạn chế lượng nước họ có thể lấy từ con sông Tagus bị hạn hán. Tháng 2-2023, nông dân Pháp lái máy cày qua Paris để phản đối lệnh cấm một số loại thuốc trừ sâu. Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác cũng ghi nhận làn sóng tương tự, mặc dù chúng chủ yếu liên quan đến việc nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraina vào EU.

EU đặt mục tiêu tổng thể đến năm 2050 đạt mức phát thải “bằng 0”. Đối với nông nghiệp, những thay đổi được lên kế hoạch bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030... Từ những tác động tiêu cực của các cuộc biểu tình, các quan chức EU lo ngại về nguy cơ các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng đã chuyển thành luật theo Ủy ban châu Âu khó thành hiện thực đúng thời gian quy định.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>