Vì sao khó trừng phạt Nga ?

27/02/2024 | 07:02 GMT+7

Trong một tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến ngày 24-2, nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự, các lãnh đạo G7 tuyên bố sẽ khiến Nga phải trả giá đắt hơn vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Từ trái qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chụp ảnh sau cuộc họp báo chung ở Kiev ngày 24-2. Ảnh: AFP

G7 không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về đợt viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine, nhưng kêu gọi “phê duyệt hỗ trợ bổ sung để lấp đầy lỗ hổng ngân sách của Ukraine năm 2024”.

Các lãnh đạo cũng kêu gọi Iran ngừng giúp đỡ quân đội Nga và bày tỏ quan ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển giao linh kiện vũ khí, thiết bị quân sự và vật liệu lưỡng dụng cho Moskva.

Cuộc họp được chủ trì từ Kiev bởi Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, nước giữ chức chủ tịch luân phiên G7.

Trừng phạt không hiệu quả

Đến nay, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt trừng phạt với hàng ngàn mục tiêu của Nga kể từ cuối tháng 2-2022.

Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt của phương Tây trong hai năm qua đã không làm sụp đổ nền kinh tế Nga, hạ bệ Tổng thống Putin cũng như làm giảm quy mô chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine.

Trên thực tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã tăng 2,2% vào năm 2023 chủ yếu nhờ tăng chi tiêu cho quân sự và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng này cao hơn Mỹ và nhiều nền kinh tế phương Tây khác.

Sức mạnh của Nga, bắt nguồn từ nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ, cũng như từ khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng như phân bón, lúa mì và kim loại quý, đã tạo nên khả năng phục hồi tài chính vượt qua sự cô lập của phương Tây.

Ở nhiều nơi tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, ảnh hưởng và mối quan hệ làm ăn của Nga vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết hoặc thậm chí còn tăng lên.

Một số nước bên ngoài phương Tây đã nắm bắt thời điểm này để kiếm lợi cho riêng mình. Chẳng hạn Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.

Vì sao vẫn trừng phạt ?

Tuy vậy, các chính trị gia phương Tây ủng hộ tăng cường các biện pháp trừng phạt mới cho rằng mục tiêu của trừng phạt không chỉ làm suy yếu nước Nga mà mang ý nghĩa đa mục tiêu.

Thứ nhất, sự phối hợp trừng phạt mới của phương Tây vào thời điểm tròn hai năm xung đột nhằm gửi đi thông điệp việc vi phạm các chuẩn mực quốc tế đối với một nước láng giềng sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ và mang tính chiều sâu của liên minh.

Thứ hai, nó thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nước phương Tây trong việc đối phó với Nga.

Thứ ba, phương Tây muốn thể hiện không bỏ rơi Ukraine trong bối cảnh bản thân họ cũng đang gặp rất nhiều mối lo và quan tâm khác từ các khu vực địa chính trị trên thế giới. Họ cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện nay tỏ ra hiệu quả từ một số chiều kích nào đó.

Ít nhất nước Nga đang phải chịu đựng một số trục trặc đáng kể ở nền kinh tế. Chẳng hạn tình trạng thiếu hụt các hàng hóa quan trọng như thuốc men và các bộ phận máy bay ở thời điểm trước mắt.

Còn trong dài hạn, họ tin rằng trừng phạt sẽ ngày càng có hiệu quả khi các biện pháp mới được đưa ra để bịt những lỗ hổng trước đây mà nước Nga đã tránh được.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>