Tìm lời giải cho bài toán khủng hoảng ở Haiti

14/03/2024 | 06:03 GMT+7

Bạo lực tiếp tục gia tăng ở Haiti khiến quốc gia vùng Caribe này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Giải pháp chính trị để lập lại tình hình an ninh tại đây đang được các quốc gia liên quan quan tâm.

Bạo lực bùng phát ở Haiti.  Ảnh: Reuters

Haiti đã bước vào tình trạng khẩn cấp hôm 3-3 sau khi các cuộc đụng độ bùng phát giữa các băng đảng vũ trang và lực lượng an ninh chính phủ khiến hệ thống liên lạc bị gián đoạn và hàng ngàn tù nhân vượt ngục. Các băng đảng ở Haiti đã tập hợp và kêu gọi lật đổ Thủ tướng Ariel Henry. Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính hàng ngàn người đã thiệt mạng và phải rời khỏi nhà của mình trong các cuộc xung đột ở Haiti.

Tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng, khiến LHQ hối thúc hành động khẩn cấp, đẩy nhanh tiến độ triển khai sứ mệnh Hỗ trợ an ninh đa quốc gia (MSS), tránh để Haiti chìm sâu hơn vào cảnh hỗn loạn.

Một số quốc gia đã phải sơ tán nhân viên sứ quán khỏi Haiti trong bối cảnh nước này đang chìm trong bạo lực nghiêm trọng. Ngày 10-3, Mỹ đã sử dụng máy bay quân sự để sơ tán các nhân viên không thiết yếu của Đại sứ quán nước này ở Haiti đồng thời tăng cường an ninh xung quanh khuôn viên Đại sứ quán.

Trong khi đó, phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại đây đã tạm thời đóng cửa các văn phòng và giảm sự hiện diện ở nước này xuống mức tối thiểu. Cùng thời gian này, một số thành viên của Đại sứ quán Đức tại Haiti đã được sơ tán đến Cộng hòa Dominica, khi tình hình an ninh tại quốc gia vùng Caribe này tiếp tục diễn biến xấu. Trước đó, quan chức quân sự và dân sự cấp cao của Cộng hòa Dominica đã nhóm họp để điều phối kế hoạch sơ tán các thành viên đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này ở Haiti, đồng thời giúp đỡ một số quốc gia khác sơ tán công dân.

Trong khi đó, Giáo hoàng Francis cuối tuần qua cũng nhấn mạnh: “Tôi quan ngại khi chứng kiến khủng hoảng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến Haiti cùng những diễn biến bạo lực những ngày gần đây. Tôi kêu gọi những lời cầu nguyện để sớm chấm dứt tình trạng bạo lực, tất cả mọi người đều có thể đóng góp vào nỗ lực chung kiến tạo hòa bình và hòa giải ở Haiti với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế”.

Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk trước đó cũng cảnh báo tình tình hỗn loạn tại Haiti đã trở nên không thể kiểm soát được, đồng thời hối thúc triển khai khẩn cấp phái đoàn hỗ trợ an ninh đa quốc gia tới Haiti để hỗ trợ Cảnh sát Quốc gia và mang lại những đảm bảo về an ninh cho người dân Haiti, trong điều kiện tuân thủ các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.

Mới đây, Chủ tịch Cộng đồng Caribe (CARICOM) xác nhận Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã từ chức với tư cách là người đứng đầu chính phủ của quốc gia Caribe. Ông Ariel Henry đã không thể quay trở lại Haiti sau chuyến thăm Kenya nhằm tìm kiếm hỗ trợ khi đợt bạo lực mới đây bùng phát. Ông Henry đã giữ chức vụ này kể từ khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát năm 2021.

Thông báo từ chức của Thủ tướng Henry được đưa ra sau cuộc họp giữa các nhà lãnh CARICOM với đặc phái viên đến từ Mỹ, Pháp, Canada và LHQ tại Jamaica để thảo luận giải pháp tháo gỡ tình hình bất ổn ở Haiti.

Tại cuộc họp này, các bên thảo luận về một đề xuất của CARICOM và các quan chức Haiti nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị ở nước này, cũng như triển khai phái bộ an ninh đa quốc gia nhằm lập lại trật tự.

Như vậy, giải pháp để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Haiti đã có nhưng biến nó thành hiện thực vẫn còn không ít khó khăn, bởi lẽ tại Haiti có không ít băng đảng đối lập nên việc thống nhất chuyển giao chính trị theo đề xuất của Mỹ không hề dễ dàng.

 HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>