Mỹ khởi động cuộc đua vũ khí hạt nhân ?

21/08/2019 | 17:06 GMT+7

Mỹ vừa thử tên lửa hành trình có tầm bắn bị cấm theo Hiệp ước INF làm nhiều người quan ngại cuộc đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu trở lại và ngày càng nguy hiểm.

Mỹ phóng thử tên lửa hành trình từ mặt đất tại bãi thử trên đảo San Nicolas. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tên lửa rời khỏi bệ phóng ở đảo San Nicolas, một bãi thử của Hải quân Mỹ ngoài khơi Los Angeles, bang California và đi khoảng 500km trước khi trúng mục tiêu. Tuyên bố còn cho biết thêm: “Các dữ liệu thu thập được và những bài học từ vụ thử nghiệm này sẽ cung cấp thông tin cho Bộ Quốc phòng về khả năng phát triển tầm trung trong tương lai”.

Đáng quan ngại là Mỹ đã sử dụng Mk-41 để phóng tên lửa hành trình vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga mà Washington vừa tuyên bố hủy bỏ chưa đầy một tháng. Thông thường, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ ở châu Âu sử dụng hệ thống phóng Mk-41 để phóng tên lửa đánh chặn SM-3. Mỹ trước đây cũng cho rằng, Mk-41 không bị cấm theo INF vì nó chưa từng được thử nghiệm với tên lửa phóng từ mặt đất.

Hiện Mỹ cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về việc dự định triển khai chúng ở đâu. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã ám chỉ khả năng triển khai các loại vũ khí mới này ở châu Á như một sự răn đe với Trung Quốc. Mặt khác, vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung được cho là nhằm đáp trả việc Nga triển khai các loại tên lửa mới trong những năm gần đây, trong đó có Novator 9M729 được cho là vi phạm INF.

Từ tháng 5-2013, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã không thành công khi thuyết phục Nga từ bỏ chương trình tên lửa này. Đến thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ quyết định hủy bỏ INF và đáp trả bằng một vụ thử tên lửa của chính mình.

Mới đây, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan D McCarthy cho biết, Washington đang tìm cách phát triển loại tên lửa siêu thanh trang bị đầu đạn hạt nhân bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh sau khi Mỹ rút khỏi INF với Nga.

Vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây của Mỹ làm cho nhiều quốc gia quan ngại một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu sẽ quay lại. Khởi động cuộc đua này là Mỹ và Nga. Thực tế, viễn cảnh về một thế giới không kiểm soát chặt chẽ vũ khí hạt nhân đã được hiện thực hóa trong những tuần gần đây với vụ nổ ở Nga hôm 8-8 khiến 7 người thiệt mạng được cho là do thất bại khi phóng thử tên lửa hành trình năng lực hạt nhân mới - một trong số rất nhiều vũ khí tiên tiến mà Nga, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Nga Putin cho rằng, tầm bắn của vũ khí mới không giới hạn và khả năng linh hoạt có thể khiến tên lửa này trở thành “bất khả chiến bại”. Ông Putin khẳng định, việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự bằng kho hạt nhân là nhằm đối phó với các động thái của Mỹ về hiện đại hóa và mở rộng kho hạt nhân của Washington.

Còn chính quyền Mỹ trước đây đã xây dựng kế hoạch 1.200 tỉ USD nhằm duy trì và thay thế bộ 3 Không quân, Hải quân và Lục quân Mỹ dựa trên vũ khí hạt nhân. Báo cáo hạt nhân của Mỹ công bố năm ngoái đã đề xuất bổ sung thêm 500 tỉ USD, trong đó có 17 tỉ USD cho các vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ có thể được sử dụng trên các chiến trường thông thường.

Trong một động thái liên quan, Nga và Trung Quốc đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp khẩn về vụ thử tên lửa mà Mỹ thực hiện. Phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho biết cuộc họp này dự kiến diễn ra ngày 22-8.

Giới phân tích kỳ vọng sẽ có giải pháp khả thi của Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn kịp thời cuộc đua vũ khí hạt nhân trước khi quá muộn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>