Làm rõ nhiều vấn đề liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL

29/10/2023 | 07:46 GMT+7

(HG) - Cuối tuần qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ tại hội thảo.

Tham dự có GS, TS Lê Văn Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phan Công Khanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Về phía tỉnh Hậu Giang có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các địa phương.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội thảo.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu ở trong và ngoài khu vực. Hội thảo nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết vùng trong phát triển bền vững ở ĐBSCL, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở ĐBSCL, từ đó góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết  số 13 ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hội thảo diễn ra trong thời điểm này, có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà còn cả về thực tiễn. Qua hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng liên kết vùng và đề xuất giải pháp tăng cường và đổi mới liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, đánh thức và phát huy tiềm năng, lợi thế của “vùng đất chín rồng”, tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho khu vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững; đóng góp mới cho sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn tới.

Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học.

Ngoài báo cáo đề dẫn, phát biểu tổng kết hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ: Hội thảo đã làm rõ về mặt lý luận một số vấn đề cơ bản về liên kết vùng, như khái niệm liên kết vùng, chủ thể của liên kết vùng, nội dung của liên kết vùng, động lực của liên kết vùng, các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết vùng, tầm quan trọng và vai trò của liên kết vùng. Đồng thời, hội thảo cũng đã làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về liên kết vùng ở ĐBSCL.

Làm rõ kinh nghiệm thực tiễn trong liên kết vùng và mô hình liên kết vùng ở trên thế giới và một số khu vực ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm thực tiễn về tăng cường liên kết vùng giữa một số địa phương ở ĐBSCL với Đông Nam bộ thời gian qua. Ngoài ra, làm rõ thực trạng, nguyên nhân và một số vấn đề đang đặt ra trong liên kết vùng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở ĐBSCL. Ngoài ra, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở ĐBSCL.

Trên cơ sở các bài tham luận, các ý kiến thảo luận, trao đổi tại hội thảo, các đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo sẽ chắt lọc để xây dựng báo cáo kiến nghị gửi Đảng, Nhà nước cũng như các địa phương vùng Tây Nam bộ nhằm góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị.

Tin, ảnh: H.THANH - M.TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>