Liệu có đàm phán hòa bình ở Sudan ?

29/03/2024 | 08:19 GMT+7

Nội chiến liên tục diễn ra đã đẩy Sudan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến nhiều quốc gia liên quan tìm giải pháp nối lại đàm phán hòa bình.

Ảnh minh họa: Reuters

Đặc phái viên Mỹ tại Sudan Tom Perriello cho biết, Mỹ đang tập trung cho khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình về Sudan tại Arab Saudi khi nội chiến tại quốc gia này ngày càng căng thẳng đẩy Sudan vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các bên tham chiến có tham gia đàm phán hay không nhưng giao tranh, bạo lực liên tục diễn ra.

Xung đột giữa Quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ ngày 15-4-2023 đến nay. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột khiến hơn 13.000 người thiệt mạng; gần 25 triệu người, tương đương 50% dân số của quốc gia Đông Bắc Phi này cần được viện trợ; khoảng 8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tướng Yasir al-Atta, một trong những lãnh đạo hàng đầu của Quân đội Sudan, tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán hay đình chiến nào với RSF.

Các cuộc đàm phán diễn ra vào năm ngoái do Mỹ và Arab Saudi tổ chức đã không đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Quân đội Sudan và RSF. Đầu tháng này, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi dừng các hành động thù địch ở Sudan trong Tháng lễ Ramadan được thông qua, tuy nhiên, giao tranh ác liệt vẫn nổ ra giữa hai phe. 

 Giao tranh cứ liên tục diễn ra đã khiến Sudan, một quốc gia vốn đã nghèo khó giờ lại đối mặt với một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Đây là đánh giá của bà Edem Wosornu, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (UNOCHA) tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình nhân đạo tại Sudan sau gần một năm xung đột.

Trong báo cáo, người đứng đầu UNOCHA nêu rõ đánh giá trên được kết luận trên cơ sở xem xét cả khía cạnh nhu cầu nhân đạo, số người bị mất nhà ở và nguy cơ chết đói tại Sudan. Đáng chú ý, bà Wosornu nhấn mạnh rằng thảm kịch nhân đạo vẫn đang tiếp tục xảy ra tại Sudan mà không hề nhận được sự quan tâm hay hành động can thiệp cần thiết từ cộng đồng quốc tế.

Đáng lo ngại hơn, chiến sự đang đẩy khoảng 18 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, tăng thêm tới 10 triệu người so với năm ngoái, đồng thời phá hủy khoảng 70% hạ tầng y tế. Nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo, khoảng 222.000 trẻ em Sudan có nguy cơ tử vong trong vài tuần hoặc vài tháng tới, nếu điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc y tế tại nước này không được cải thiện một cách đáng kể.

Theo ông Maurizio Martina, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), chiến sự đã làm đứt gãy sản xuất nông nghiệp, phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu, đẩy giá lương thực tăng cao và làm gián đoạn hoạt động thương mại tại Sudan. Quan chức LHQ cảnh báo xung đột đang lan rộng ra các bang miền Đông Nam, nơi được coi là vựa lúa mì đóng góp tới 46% sản lượng lúa mì của Sudan.

Các Lực lượng vũ trang Sudan thông báo vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch nhằm vào các vị trí của nhóm bán quân sự RSF tại thành phố Bahri, phía Bắc thủ đô Khartoum. Do vậy, giao tranh ác liệt sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Liệu Mỹ và các tổ chức quốc tế có thực hiện được lệnh ngừng bắn tiến tới đàm phán hòa bình vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>