Hàn Quốc ấn định hạn chót để các bác sĩ quay lại làm việc

29/02/2024 | 07:26 GMT+7

Hôm nay đã đến hạn chót quay lại làm việc nhưng xem như các cuộc biểu tình của bác sĩ thực tập ở Hàn Quốc vẫn chưa có động thái hạ nhiệt.

Bác sĩ Hàn Quốc biểu tình trước phủ tổng thống ở Seoul ngày 25-2.

Kể từ ngày 19-2 đến nay, cuộc đình công của các bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến cho tình hình y tế tại đất nước này ngày càng trở nên bế tắc. Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố, các bác sĩ trẻ của quốc gia này phải trở lại làm việc trước ngày 29-2, trước khi họ bị trừng phạt vì tiến hành biểu tình, trong bối cảnh sự hỗn loạn đang gia tăng tại các bệnh viện và tình hình của các dịch vụ cấp cứu đã lên đến mức “nguy hiểm”.

Trước đó, các bác sĩ đã tuần hành ở Seoul, hô vang “Chúng tôi không phải tội phạm” khi phải làm việc 100 giờ/tuần, với mức lương hạn chế từ 2 triệu đến 4 triệu won (1.500-3.000 USD) một tháng và bị cáo buộc coi bệnh nhân là “con tin”, đồng thời khẳng định cần được lắng nghe.

Các cuộc biểu tình của các bác sĩ thực tập nhằm phản đối lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y của chính phủ với lo ngại cạnh tranh và mất việc làm. Tính tới hiện tại, có khoảng 2/3 số bác sĩ nội trú và thực tập tại Hàn Quốc đã tham gia vào các cuộc biểu tình, buộc các bệnh viện phải từ chối bệnh nhân và hủy bỏ nhiều thủ tục, làm dấy lên quan ngại về sự gián đoạn lớn trong hệ thống y tế nếu tranh chấp kéo dài.

Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min cho biết, chính phủ sẽ không buộc các bác sĩ phải chịu trách nhiệm về việc ra ngoài nếu họ quay lại làm việc trước ngày 29-2. Trước đó, chính phủ đã cảnh báo về khả năng đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép y tế và thậm chí truy tố nếu các bác sĩ và bác sĩ nội trú không trở lại làm việc.

Đến nay, đã có hơn 10.000 bác sĩ thực tập gửi đơn xin nghỉ việc, trong đó 9.000 người đã nghỉ việc. Làn sóng bỏ việc kéo theo tình trạng gián đoạn ở các bệnh viện tuyến đầu của Hàn Quốc. Nhiều bệnh viện lớn buộc phải cắt giảm một nửa hoạt động do thiếu nhân lực.

Theo đó, số lượng sự cố khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tìm bệnh viện ngày càng gia tăng, bệnh nhân phải chờ đợi hơn ba tiếng đồng hồ và thậm chí phải chờ đợi bên ngoài bệnh viện để được điều trị. Tổng cộng có hơn 200 trường hợp tổn hại do bệnh viện ngừng hoạt động đã được báo cáo chính thức lên đường dây nóng của Bộ Y tế tính đến nay, trong đó có 171 trường hợp liên quan đến việc trì hoãn phẫu thuật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo cảnh báo: “Việc các bác sĩ đình công từ chối trở lại làm việc theo luật định sẽ bị đình chỉ giấy phép tối thiểu 3 tháng và đối mặt với các hành động pháp lý như điều tra, truy tố”. Quan chức này nói thêm, việc bị rút giấy phép hành nghề có thể ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của bác sĩ như cơ hội làm việc ở nước ngoài. Thậm chí, những người bị coi là phát động đình công có thể bị bắt giữ vì tội hình sự.

Trong gói Kế hoạch chính sách nhằm cải thiện dịch vụ y tế do Tổng thống Yoon Suk Yeol thúc đẩy, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương tăng thêm 2.000 sinh viên y khoa mới mỗi năm để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực và mở rộng bảo vệ pháp lý với bác sĩ. Chính sách mới cũng khuyến khích các bác sĩ hành nghề trong những lĩnh vực thiết yếu như nhi khoa, phẫu thuật tổng quát và ở khu vực đang thiếu bác sĩ nghiêm trọng.

Nhiều người Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch do Tổng thống Yoon Suk Yeol khởi xướng. Một cuộc thăm dò gần đây của Gallup Korea cho thấy, khoảng 76% số người được hỏi tán thành kế hoạch này.

Trong một tuyên bố, mới đây các giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Seoul, một trong những trường y hàng đầu đất nước, kêu gọi chính quyền hoãn thảo luận kế hoạch mới cho đến sau bầu cử, dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch cải thiện y tế của Chính phủ Hàn Quốc xem ra khó dừng lại. Điều này đồng nghĩa làn sóng biểu tình của bác sĩ thực tập ở Hàn Quốc vẫn chưa đến hồi kết.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>