Căng thẳng trong giới y tế ở Hàn Quốc vẫn chưa có lời giải

22/03/2024 | 08:29 GMT+7

Cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu trầm trọng hơn khi các giáo sư y khoa trên toàn nước này đã quyết định sẽ nộp đơn từ chức tập thể.

Các bác sĩ tuần hành về phía Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trong một cuộc biểu tình vào ngày 25-2. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Theo đó, tại Seoul, Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc (AMCP) đưa tin quyết định nộp đơn từ chức tập thể. Quyết định này được đưa ra tại một cuộc họp trực tuyến do các giáo sư y khoa của 20 trường đại học Hàn Quốc tổ chức vào cuối ngày 15-3. Dự kiến quyết định xin nghỉ tập thể này sẽ bắt đầu từ ngày 25-3 tới nhằm gây áp lực buộc chính phủ nước này phải tìm kiếm bước đi đột phá giải quyết cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ tập sự. Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc có kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào ngày 22-3 để cập nhật diễn biến tình hình.

Tuy nhiên, các giáo sư y khoa cho biết, ngay cả khi nộp đơn từ chức họ vẫn sẽ tiếp tục phục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện vì hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ tập sự của Hàn Quốc đã nghỉ việc tập thể kể từ tháng trước để phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y của chính phủ.

Trong khi đó, ngày 25-3 là hạn chót để các bác sĩ tập sự phải đưa ra ý kiến phản hồi về việc bị đình chỉ giấy phép hành nghề. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã gửi thông báo về việc đình chỉ giấy phép của khoảng 5.000 bác sĩ tập sự vì không chấp hành lệnh hành pháp yêu cầu quay trở lại làm việc.

Theo thống kê, các bác sỹ tập sự chiếm từ 30-40% tổng số bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa hàng đầu ở Hàn Quốc, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các bác sĩ chính thức trong quá trình phẫu thuật và điều trị bệnh nhân nội trú. Do dân số nước này đang già đi nhanh chóng và các vấn đề sức khỏe khác, Hàn Quốc dự kiến sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035.

Trong một động thái liên quan, Bộ Y tế Hàn Quốc đã ra thông báo cuối cùng về việc đình chỉ giấy phép 2 bác sĩ cấp cao vì cáo buộc kích động và tiếp tay cho cuộc đình công của hàng ngàn thực tập sinh và bác sĩ nước này trong thời gian qua.

Trước đó, chính phủ nước này đã cảnh báo rằng các bác sĩ tham gia cuộc đình công có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý, đồng thời lưu ý rằng những người không quay trở lại làm việc theo yêu cầu của chính phủ có thể phải đối mặt với các hình phạt, chẳng hạn như đình chỉ giấy phép hoạt động.

Sở dĩ giới y tế Hàn Quốc biểu tình trên diện rộng là muốn phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y thêm 2.000 sinh viên bắt đầu từ năm tới. Chính phủ cho biết kế hoạch này nhằm mục đích giải quyết tình trạng thường xuyên thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn và các lĩnh vực y tế thiết yếu nhưng ít được quan tâm.

Tuy nhiên, các bác sĩ lập luận rằng, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm giảm chất lượng giáo dục và các dịch vụ y tế khác, đồng thời có thể khiến bệnh nhân phải chịu chi phí y tế cao hơn. Các bác sĩ kêu gọi tiến hành các biện pháp cấp bách để cải thiện vấn đề tiền lương đối với các bác sĩ chuyên khoa và bảo đảm pháp lý cho các bác sĩ trước các vụ kiện không chính đáng về sơ suất y tế trong hành nghề.

Cuộc đình công kéo dài làm dấy lên lo ngại về tình trạng bệnh nhân có thể không được điều trị y tế kịp thời. Các bệnh viện đa khoa lớn đã phải hủy bỏ và trì hoãn các ca phẫu thuật và điều trị y tế khẩn cấp do quá phụ thuộc vào các bác sĩ tập sự.

Trước thực trạng trên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã lên tiếng kêu gọi giới chức ngành y nước này nhanh chóng thực hiện các cải cách y tế của chính phủ. Trong đó, bao gồm cả việc tăng số lượng sinh viên trường y, trong bối cảnh cuộc đình công của bác sĩ thực tập trên toàn quốc vẫn tiếp diễn.

Nhiều giải pháp được Chính phủ Hàn Quốc đặt ra hòng giảm nhiệt căng thẳng trong giới y tế dẫn đến biểu tình kéo dài nhưng xem ra những giải pháp này khó thành thực hiện vì chính sách cải cách y tế của Hàn Quốc vẫn còn quá nhiều bất đồng đối với lực lượng y tế nước này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>