Ấn Độ điều thêm 10.000 binh lính tới khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc

11/03/2024 | 09:28 GMT+7

Hãng tin Bloomberg mới đây đưa tin, Ấn Độ đã điều động thêm khoảng 10.000 binh lính tới khu vực biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc. Động thái này có thể sẽ khuấy động mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước.

Binh sĩ Ấn Độ tại biên giới. Ảnh: DPA

Các quan chức cấp cao Ấn Độ giấu tên cho biết, số lượng 10.000 binh sĩ trước đây được bố trí ở biên giới phía Tây của đất nước hiện đã được điều động để bảo vệ biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, một đơn vị hiện có gồm 9.000 binh lính, đã được điều động đến biên giới tranh chấp với Trung Quốc và được đặt dưới quyền chỉ huy của một bộ tư lệnh chiến đấu mới được thành lập. Lực lượng tổng hợp này sẽ bảo vệ một dải biên giới dài 532km ngăn cách khu vực Tây Tạng của Trung Quốc với các bang phía bắc Ấn Độ là Uttarakhand và Himachal Pradesh.

Hiện Quân đội Ấn Độ cùng Bộ Quốc phòng nước này từ chối đưa ra bình luận về thông tin được truyền thông đăng tải.

Việc điều động quân đội lớn chưa từng có cùng pháo binh và không quân tới khu vực biên giới này làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược cũng như sự nhạy cảm ngày càng tăng của khu vực này trong mắt các nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Năm 2021, Ấn Độ đã bố trí thêm khoảng 50.000 binh lính tới khu vực Đông Ladakh giáp biên giới với Trung Quốc. Quân đội Ấn - Trung đã từng đụng độ tại khu vực này trước đó 1 năm khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng và quan hệ song phương gia tăng căng thẳng. Kể từ thời điểm đó, cả Ấn Độ và Trung Quốc đã nâng cấp các hạ tầng phục vụ quân sự và di chuyển tên lửa, máy bay tới áp sát biên giới của nhau.

Căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ biên giới đẩy quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đi xuống và chưa thể phục hồi kể từ đó. Hai nước đã trải qua 21 vòng đàm phán quân sự và ngoại giao để cải thiện tình hình. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cũng đã thông qua luật nhằm siết chặt đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc tại nước này.

Trung Quốc cho rằng việc Ấn Độ điều thêm binh lính lên khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước “không có lợi cho việc giảm căng thẳng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Trung Quốc cam kết hợp tác với Ấn Độ để bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới. Chúng tôi tin rằng hành động của Ấn Độ không có lợi cho việc bảo vệ hòa bình và không có lợi cho việc giảm bớt căng thẳng giữa 2 bên”.

Bà Mao nói thêm rằng: “Việc Ấn Độ tăng cường triển khai quân sự ở các khu vực biên giới không giúp làm dịu tình hình hoặc bảo vệ hòa bình và an toàn ở những khu vực này”.

Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra chiến sự dọc theo các phần của đường biên giới dài 3.800km chưa được phân định rõ ràng. Căng thẳng nóng lên trong những năm gần đây khi 2 nước xảy ra các cuộc đụng độ tại những khu vực tranh chấp.

Tình hình trở nên leo thang căng thẳng sau cuộc đụng độ của Trung Quốc và Ấn Độ ở thung lũng Galwan vào năm 2020. Vụ việc khiến 24 người ở 2 bên thiệt mạng.

Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa hai nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm “nóng”. Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực tranh chấp.

Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức 21 vòng đàm phán quân sự - ngoại giao từ vụ đụng độ năm 2020 để xuống thang căng thẳng. Từ sau sự kiện đó, New Delhi thông qua luật không khuyến khích đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở Ấn Độ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>