Giảm nghèo đa chiều và bền vững

04/10/2023 | 08:23 GMT+7

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được các địa phương chú trọng thực hiện.

Chỉ đạo sâu sát công tác giảm nghèo

Thực hiện Kế hoạch số 54-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (Kế hoạch số 54) và chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, góp phần nâng cao đời sống người dân.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10 Quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025.

Hỗ trợ 500.000 đồng/hộ/tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em là dân tộc thiểu số, trẻ em đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng hoặc trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội mắc bệnh hiểm nghèo, mắc bệnh tim bẩm sinh mà chi phí điều trị vượt quá khả năng chi trả, điều kiện kinh tế của gia đình, phải điều trị dài ngày hoặc điều trị nhiều lần trong năm tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, mức hỗ trợ đột xuất để khám chẩn đoán xác định, phẫu thuật, điều trị tối đa không quá 10.000.000 đồng/trường hợp và hỗ trợ 1 lần/trường hợp/năm.

Tỉnh còn thực hiện đồng bộ các giải pháp về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà ở… Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Nếu như năm 2016 toàn tỉnh có 29.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,9%, thì đến nay giảm còn 4,84% với 9.736 hộ nghèo.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 54 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo. Theo ông Trần Văn Đà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn, ngay từ đầu năm Đảng ủy có công văn chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã. Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nghèo, để người dân chủ động đăng ký thoát nghèo. Ngoài ra, các đoàn thể cũng hướng dẫn người dân thực hiện mô hình làm ăn có hiệu quả. Tổ chức đối thoại với hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân, cái khó mà các hộ nghèo đang gặp phải, để có giải pháp hỗ trợ, giúp bà con thoát nghèo bền vững. “Với từng hộ dân, chúng tôi có giải pháp hỗ trợ phù hợp, ngoài ra luôn giải thích để mọi người hiểu và tự lực vươn lên. Giúp người dân thoát nghèo không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mà đó còn là cái nghĩa, cái tình với bà con”, ông Đà cho biết.

Xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ

Trong thực hiện giảm nghèo, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo.

Bà Nguyễn Thị Khóm, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Bình Thạnh C, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Xác định công tác giảm nghèo là cả một hành trình dài chứ không phải ngày một, ngày hai. Tôi cùng với các đồng chí trong chi bộ luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, khơi gợi ý chí chủ động vươn lên của người dân. Chỉ khi người nghèo khát vọng thoát nghèo thì họ mới không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự nỗ lực, tận dụng nguồn lực hỗ trợ để làm “bệ đỡ” cho sự phát triển của kinh tế gia đình”. Ngoài giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, bà Khóm còn tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Bên cạnh đó, bà cùng với các đồng chí trong chi bộ tích cực vận động xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo.

Việc cấp thẻ BHYT, hỗ trợ giáo dục đào tạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đúng quy định. Các hội, đoàn thể còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, địa phương giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà ở, kỹ thuật, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn vay đến hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Cấp ủy, chính quyền các cấp còn phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội đối với người nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các hoạt động, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. “Năm 2023 địa phương được phân bổ trên 2,1 tỉ đồng thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Thông qua hỗ trợ cây giống, vật nuôi từ các mô hình sinh kế sẽ giúp người dân tăng thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững”, bà Bùi Mỹ Tiên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết.

Giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội. Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, các giải pháp, cách làm sẽ mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân về vật chất lẫn tinh thần…  

Nếu như năm 2016 toàn tỉnh có 29.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,9%, thì đến nay giảm còn 4,84% với 9.736 hộ nghèo.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>