Tấm lòng và sự kiên cường của mẹ Giỏi

15/04/2024 | 09:22 GMT+7

Tháng 4 về khiến Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Giỏi, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, dâng lên những nỗi niềm cảm xúc khó tả, vui có, buồn có và có cả sự tự hào.

Niềm vui của mẹ Giỏi.

Mẹ vui vì thấy quê hương phát triển nhanh chóng sau ngày giải phóng. Trong niềm vui ấy, có chút gợn buồn vì nhớ đến người chồng và đứa con trai đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là niềm tự hào lớn lao trong mẹ.

Cuộc đời của mẹ là cả hành trình cống hiến hết mình cho quê hương. Khi 17 tuổi, thiếu nữ Huỳnh Thị Giỏi gặp và nên duyên với một chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Minh. Hai người có với nhau 6 người con, mẹ luôn hết lòng lo cho các con để chồng yên tâm tham gia cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Minh, chồng mẹ Giỏi tham gia công tác binh vận của xã Hỏa Lựu. Chung lý tưởng với chồng, mẹ tham gia hoạt động bí mật ở địa phương, với vai trò giao thư và cung cấp thực phẩm, vật dụng cần thiết cho lực lượng cách mạng ở địa phương.

Năm 1968, ông Minh và một người đồng đội bị giặc bắt và xử bắn ngay sau đó. Nhận tin chồng hy sinh, mẹ như ngã quỵ, nhưng nghĩ đến các con còn thơ bé, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng chưa thành, nên mẹ vượt qua tất cả để làm tròn nghĩa vụ của người mẹ và người giao liên cách mạng.

Khi người con trai lớn Nguyễn Quốc Nhường đủ chín chắn, mẹ Giỏi khuyến khích con đi bộ đội để đánh giặc cứu nước, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha mình. Anh Nhường tham gia tại Tiểu đoàn Tây Đô khi tuổi chưa tròn 18. Anh chiến đấu rất anh dũng, nhưng không may bị thương trong một trận đánh. Khi vết thương lành, anh xin trở về hoạt động ở địa phương.

Năm 1970, việc giao liên của mẹ Giỏi bị lộ vì có người cách mạng đầu hàng và chỉ điểm để giặc bắt mẹ. Khi giặc dẫn mẹ đi, những đứa con nhỏ chạy theo trong nước mắt. Mẹ ngoái đầu lại căn dặn đứa con gái lớn Nguyễn Thị Tuyết ở nhà gắng lo cho các em…

Vô tù ngày đầu tiên, giặc tra tấn mẹ rất dã man, đến hư một mắt. Những ngày sau đó, mẹ tiếp tục chịu những trận đòn đau của giặc. Tuy nhiên, miệng mẹ không hé nửa lời, luôn một lòng với cách mạng. Sau 1 năm, mẹ được giặc thả ra, với thân thể đầy vết sẹo.

Về đến nhà, mẹ vui khi thấy mấy đứa con đã biết đùm bọc chăm lo lẫn nhau. Họ hàng, xóm giềng cũng hết lòng giúp đỡ, nên đứa nào cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

Đến năm 1972, mẹ chịu thêm nỗi đau khi người con trai lớn Nguyễn Quốc Nhường hy sinh khi mới 20 tuổi. Đau đớn khi mất đi người chồng, người con trai, nhưng mẹ hãnh diện vì họ đã cống hiến thân mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Mẹ chỉ tiếc một điều là không còn chút kỷ vật nào của chồng, con cũng như hình ảnh để thờ phụng.

Hòa bình lập lại, mẹ Giỏi nỗ lực lao động để lo cho các con. Hiện mẹ sống giản dị với khoản tiền chế độ của Nhà nước, còn các người con của mẹ cũng đều có cuộc sống ổn định. Mẹ còn được Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Vị Thanh nhận phụng dưỡng suốt đời.

Dịp lễ, tết là lúc mẹ vui nhất, khi con cháu tụ họp về đông đủ. Mẹ luôn căn dặn con cháu phải sống tốt, sống có ích cho xã hội, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình.

Đối với các con, mẹ Giỏi luôn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương sáng để mọi người phấn đấu, noi theo. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, người con gái út của mẹ Giỏi, bộc bạch: “Lúc cha hy sinh, tôi còn nhỏ nên chưa cảm nhận được hết nỗi đau này. Chỉ nhớ rằng, không có bóng dáng của cha, mẹ đã phải chịu biết bao vất vả. Không quản ngày đêm, mẹ vừa tham gia cách mạng ở địa phương và làm lụng quần quật để lo cho chúng tôi. Dù đời mẹ chịu nhiều mất mát nhưng vượt qua nỗi đau, mẹ vẫn kiên cường bước tiếp”.

Lúc rảnh rỗi, ông Võ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, thường đến thăm hỏi mẹ Giỏi. Ông thấy mừng vì mẹ đã 90 tuổi, nhưng sức khỏe còn khá tốt, sống an nhàn bên con cháu.

“Lãnh đạo xã thường đến thăm hỏi, tặng quà cho mẹ mỗi dịp lễ, tết. Dù chiến tranh nay đã lùi xa, Nhân dân ta đang được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc, song nỗi đau của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh như mẹ Giỏi thì khó thể nào nguôi ngoai và không gì bù đắp được. Sự hy sinh của mẹ được Đảng và Nhà nước ghi công, Nhân dân đời đời biết ơn sâu sắc”, ông Võ Văn Tân chia sẻ.

Cuộc đời của mẹ Giỏi là câu chuyện ý nghĩa về tinh thần hy sinh cao cả vì quê hương, đất nước, khiến chúng ta càng thêm trân quý giá trị hòa bình. Đất nước hòa bình và ngày càng phát triển, Đảng, Nhà nước và xã hội ngày càng quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Với các mẹ Việt Nam anh hùng, đó là sự động viên tinh thần lớn nhất.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>