Quy định thời giờ làm việc trong ngày và trong năm sẽ linh động hơn

29/10/2019 | 07:58 GMT+7

Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, nói quy định về thời gian làm việc bình thường, lấy ý kiến địa phương, đa số đề nghị nên sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể giờ làm việc trong tuần mà chỉ quy định giờ làm việc trong ngày và trong năm.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu tại hội trường.

Quy định như vậy sẽ phù hợp với tính chất công việc theo vị trí việc làm và ít chênh lệch giữa người lao động trong khu vực hành chính với người lao động tại các công ty, xí nghiệp.

“Thực tế, người lao động trong khu vực nhà nước và tư nhân làm việc theo nhiệm vụ được giao và theo các sản phẩm được giao. Chúng ta quy định chỉ thời giờ làm việc trong ngày và trong năm sẽ linh động hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp thực hiện theo đơn hàng xuất khẩu, họ có thể tập trung những giờ làm việc theo đơn hàng của các đối tác”, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, cho biết cụ thể.

Về mở rộng khung làm thêm giờ quy định tại Điều 107, đại biểu này nói, khi lấy ý kiến, cán bộ sở, ngành tỉnh ở Hậu Giang đa số thống nhất phương án làm thêm giờ phù hợp với tình hình sản xuất và kinh tế đất nước ta hiện nay là đất nước đang phát triển hài hòa, phù hợp giữa nhu cầu sử dụng lao động cũng như nhu cầu của người lao động.

Bà Nguyễn Thanh Thủy cũng trao đổi thêm: “Trong phương án Chính phủ trình, chúng tôi thấy có quy định làm việc ngoài giờ phải trả thêm giờ cho người lao động trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với người lao động. Tôi cũng đề nghị nên áp dụng cách tính làm thêm giờ theo ngày và theo năm để tăng tính chủ động của người sử dụng lao động. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu thì không vướng về thủ tục xuất khẩu khi kiểm tra thực hiện pháp luật về các cam kết xã hội”.

Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, hiện nay chỉ quy định làm thêm giờ cho một nhóm lao động, còn một số doanh nghiệp đặc thù trong khu vực hành chính nhà nước, những ngành nghề y tế, công an, quân đội… làm việc rất nhiều nên cũng phải hài hòa giữa các ngành nghề.

“Tôi cũng đề xuất các ngành nghề đặc biệt được phép làm thêm giờ, đó là sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, sản xuất linh kiện hỗ trợ cho các sản phẩm nêu trên và về chế biến nông, lâm, thủy sản. Quy định cụ thể trong luật những ngành nghề đặc biệt này để tránh xảy ra phân biệt đối xử trong sản xuất khi cùng các ngành nghề phục vụ gia công xuất khẩu nhưng lại không được tính trong các ngành nghề đặc biệt được phép làm thêm giờ nhiều hơn trong năm”, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phân tích.

Nói về tuổi nghỉ hưu và thưởng, đại biểu này cho biết nên quy định theo hướng mở, tức là thực hiện quyền của người lao động: Người lao động có thể được nghỉ trước hoặc sau theo quy định của độ tuổi lao động, tức là trước 5 năm hoặc sau 5 năm cả nam lẫn nữ.

Thống nhất quy định thưởng là khoản tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, bà Nguyễn Thanh Thủy đề nghị dự thảo nên quy định cụ thể về tỷ lệ thưởng bằng hiện vật để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng thưởng bằng hiện vật, không thưởng bằng tiền dẫn đến người lao động có khi lễ, tết cũng không có tiền để tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thanh Thủy: “Tại Kỳ họp thứ bảy vừa rồi chúng tôi đề nghị thống nhất theo đề nghị Chính phủ tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm, điều đó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Quốc tế hiện nay nghỉ rất nhiều, nhưng Việt Nam ngày nghỉ lễ, tết còn ít. Rất đáng tiếc là dự thảo luật lần này chỉ đưa vào tăng thêm 1 ngày nghỉ trong năm theo phương án 2 của Chính phủ trình. Tôi nghĩ, nếu được thì nên theo dự thảo trình trước đây là tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm”.

 

T.THỨC - H.NGHỊ ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>