Tiềm ẩn tai nạn giao thông từ đường tỉnh đến lộ nông thôn

12/03/2024 | 06:32 GMT+7

Hệ thống giao thông từ đường tỉnh đến lộ nông thôn trên địa bàn ngày càng được đầu tư nâng cấp, mở rộng thông thoáng, kết nối với nhau, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa thuận tiện. Tuy nhiên, do lượng phương tiện tham gia giao thông không ngừng gia tăng, cùng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhiều người còn hạn chế, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Một trường hợp tham gia giao thông không đội nón bảo hiểm trên tuyến lộ nông thôn qua địa bàn ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh.

Nhiều người ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy vẫn chưa quên vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên Tỉnh lộ 931B hồi đầu tháng 7-2022, làm 1 người tử vong và 2 người bị thương. Cụ thể, chiều tối của một ngày đầu tháng 7 năm đó, ông T.V.N., sinh năm 1952, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 95H1-348.09 chở phía sau là bà P.T.N.T., sinh năm 1960 (vợ ông N.), đi từ hướng xã Vị Đông về xã Vị Thanh, trên Tỉnh lộ 931B.

Khi đi đến đoạn đường thuộc ấp 1A, xã Vị Đông, thì vượt xe mô tô biển kiểm soát 65H2-1574 do ông T.H.T., ngụ ấp 1, xã Vị Đông, điều khiển đang đi cùng chiều phía trước, sau đó va chạm vào xe mô tô biển kiểm soát 95B2-019.42 do ông L.H.S., ngụ xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang điều khiển hướng ngược lại. Hậu quả, ông N., bà T., ông S. bị thương nặng phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cấp cứu, sau đó ông N. tử vong.

Thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy, hàng năm, số vụ TNGT xảy ra tại các tuyến đường tỉnh, lộ nông thôn chiếm khoảng 25% tổng số vụ TNGT toàn tỉnh. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, các tuyến đường tỉnh, lộ nông thôn xảy ra 7 vụ, chiếm 25,9%. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, như phóng nhanh, lạng lách, không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia...

Theo ông Lê Văn Tâm, ngụ khu vực 3, phường VII, thành phố Vị Thanh, tình trạng người tham gia giao thông chở quá số người quy định, không đội nón bảo hiểm, lạng lách; thanh thiếu niên chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe mô tô tham gia giao thông... hầu như ngày nào cũng thấy trên một số tuyến đường từ thành thị đến nông thôn. Đáng nói là vào giờ cao điểm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất đông, nên tiềm ẩn tai nạn, va chạm giao thông rất lớn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khả, ngụ xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, để người dân nâng cao ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông, mỗi gia đình và các đoàn thể địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục con em chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nhất là “đã uống rượu bia thì không lái xe”, nhằm tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần đưa việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT là một trong những tiêu chí để đánh giá, xét công nhận gia đình văn hóa.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho rằng: “Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu trong lãnh, chỉ đạo ban ATGT các cấp đẩy mạnh và phát huy vai trò của các đoàn thể trong vận động, tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về TNGT để lắp đặt biển cảnh báo; phát quang, mở rộng tầm nhìn, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Riêng lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tạo sức răn đe”.

Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, thì ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của mỗi người khi tham gia giao thông vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Bởi ý thức cao thì văn hóa giao thông cao, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT xảy ra.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>