Sử dụng cát biển làm nền đường

21/03/2024 | 08:03 GMT+7

Phương án dùng cát biển thay thế cát sông đang được thí điểm, với kỳ vọng giải cơn khát cát, đưa việc thi công cao tốc đúng tiến độ đề ra.

Dùng cát biển được xem là giải pháp giải cơn khát cát đắp nền đường hiện nay tại ĐBSCL.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu dùng để san lấp, đắp nền cho các dự án giao thông tại khu vực ĐBSCL rất lớn. Riêng 4 dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai có nhu cầu khoảng 56 triệu m3, chưa kể nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các dự án khác do địa phương làm chủ đầu tư. Do đó, nếu việc thí điểm cát biển hoàn thành và khả quan, nguồn vật liệu xây dựng đắp nền đường các dự án cao tốc đang còn thiếu sẽ sớm được tháo gỡ nhanh chóng để dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), về triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL (thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả Đường tỉnh 978 thuộc Dự án thành phần đoạn Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau), đến nay đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 7-2023.

Sau hơn 1 năm thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đến đầu tháng 3-2024, dự án đạt tiến độ tổng thể khoảng 23%. Về nguồn vật liệu cho dự án, nhu cầu đến tháng 10-2024, dự án cần khoảng 10,7 triệu m3 cát, đến nay mới hoàn thành thủ tục khai thác với trữ lượng 9 triệu m3 và mới khai thác được khoảng 2,4 triệu m3; hiện nay, các địa phương vẫn chưa xác định đủ nguồn cát (trừ tỉnh Đồng Tháp) và công suất khai thác, cung ứng chưa đáp ứng nhu cầu. Chủ đầu tư đang phối hợp với các địa phương đề nghị hỗ trợ ưu tiên nguồn vật liệu cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

Thượng tá Lê Xuân Long, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: “Nguồn cát thì hiện nay cơ bản là Đồng Tháp giải quyết xong. Còn An Giang chắc trong tuần này cũng xong luôn. An Giang thì ngoài việc cao tốc trục dọc thì còn cả trục ngang nữa. Cơ bản cát nước ngọt giải quyết xong rồi, còn nâng công suất thì đang tiếp tục. Còn cát biển thì đang tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, UBND các tỉnh để làm sao mở cát biển, khai thác ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng”.

Liên quan vấn đề khai thác và sử dụng cát biển, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà từng cho rằng, không hút mãi dưới sông được. Hút ở dưới sông lên bao nhiêu thì trên đất liền sẽ xuống sông bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Tuy nhiên, vì tính cấp bách của công trình, chúng ta nâng công suất nhưng phải lấy vấn đề môi trường, giám sát sạt lở là ưu tiên số một. Giải pháp dùng cát biển phải tính toán 3 tiêu chí: cơ lý, môi trường, kinh tế. Nếu được, chúng ta dùng phương án này thay cho tất cả các mỏ cát trên sông. Cát trên sông chỉ để xây dựng, chứ san lấp thì lãng phí mà không có nguồn cung.

Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông. Qua việc triển khai thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả Đường tỉnh 978 thuộc Dự án thành phần đoạn Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, kết quả cho thấy cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “nền đường - thi công và nghiệm thu”.

Ngoài ra, báo cáo tổng kết công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường cũng cho thấy đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ôtô trong các điều kiện tương tự như khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm.

Tuy nhiên, phía Bộ GTVT cho rằng do việc thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng, vật nuôi chưa đầy đủ.

Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để tổ chức triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án xây dựng công trình giao thông có điều kiện tự nhiên, môi trường tương tự như dự án thí điểm.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị cần nghiên cứu các khuyến nghị của Hội đồng khoa học cấp bộ; có các giải pháp quan trắc môi trường, tổ chức giám sát, đánh giá mức độ tác động trong quá trình thực hiện; đảm bảo tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan; tổng hợp số liệu gửi về Bộ Giao thông Vận tải đồng thời tiếp tục khảo sát, thu thập số liệu và xây dựng định mức theo các quy định tại Điều 21 của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, chắc chắn việc từng bước ứng dụng công nghệ để đưa cát biển vào các công trình xây dựng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần vào chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, để các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang ở ĐBSCL không phải “chậm tốc” vì thiếu cát.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>