Tự phát hiện bệnh ung thư vú tại nhà

01/11/2019 | 08:41 GMT+7

Ung thư vú là căn bệnh thường gặp và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, nếu được phát hiện và điều trị sớm từ giai đoạn đầu thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên tới 90%. Do đó, chị em phụ nữ nên có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này, đặc biệt là biết làm sao để phát hiện sớm bệnh ung thư vú, điều trị kịp thời.

Hình minh họa về bệnh ung thư vú ở phụ nữ.

Tự khám vú tại nhà mỗi tháng một lần là cách để phát hiện ung thư vú đơn giản và dễ dàng nhất. Thời điểm kiểm tra tốt nhất là sau kết thúc chu kỳ kinh, vì khi đó mô vú mềm mại và dễ phát hiện những dấu hiệu bất thường nhất. Dưới đây là các bước tự kiểm tra tại nhà giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm mà chị em nào cũng có thể dễ dàng thực hiện:

Bước 1: Ở tư thế xuôi 2 tay khi đứng trước gương

Cởi trần đứng trước gương, 2 tay xuôi tự nhiên theo thân người. Quan sát đặc điểm của da, độ lớn nhỏ của vú, hình dạng núm vú. Nhìn thật kỹ vào 2 vú để tìm những thay đổi bất thường như: 2 vú lớn hoặc nhỏ bất thường, vùng da đỏ, vùng da lõm, núm vú bị biến dạng hoặc bị kéo lệch hoặc bị tụt vào.

Bước 2: Ở tư thế đưa 2 tay lên đầu khi đứng trước gương

Bạn đứng ở tư thế đưa cao 2 tay lên đầu hơi gập người về phía trước. Động tác này giúp cho 2 vú của bạn đưa ra trước và giúp bạn dễ quan sát hơn.

Hãy nhìn thật kỹ hình dáng bên ngoài của 2 vú và lưu ý những dấu hiệu bất thường như ở bước 1.

Bước 3: Ở tư thế đứng chống nạnh khi đứng trước gương

Bạn ở tư thế đứng chống nạnh, hơi gồng người một chút. Động tác này làm căng cơ ngực khiến cho hình dáng bên ngoài tuyến vú nổi rõ hơn để tiện lợi cho việc quan sát tìm sự bất thường của 2 vú như bước 1.

Bước 4: Ở tư thế một tay đưa lên đầu

Đưa một tay lên đầu và khám ngực bằng tay còn lại. Dùng 3 ngón tay xòe thẳng xoa nhẹ lên tuyến vú, bắt đầu từ trong quầng vú, vừa xoa vừa di chuyển ra ngoài theo đường xoắn ốc. Khi sờ thấy một vùng nào đó bất thường thì nên kiểm chứng vùng tương tự ở vú bên kia xem có giống hay không? Nếu giống là điều bình thường, bởi vì tuyến vú luôn luôn đối xứng với nhau cả về hình dạng bên ngoài lẫn cấu tạo bên trong.

Sau đó, bạn tiếp tục khám lên cao ở vùng nách, vì tuyến vú kéo dài đến tận vùng nách. Sau cùng dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ nặn nhẹ núm vú xem có chảy nước vàng hoặc máu không? Hãy kiểm tra cẩn thận mỗi bên vú trong các tư thế này để có thể phát hiện ra những bất thường nếu có.

Bước 5: Ở tư thế nằm có độn gối dưới vai

Thực hiện lại động tác khám giống như khám khi đứng khám ở bước 4, không để sót phần nào của vú, kể cả ở nách.

Khi khám xong một bên thì tiếp tục khám vú bên kia.

Sau khi thực hiện 5 bước tự khám vú. Nếu thấy các dấu hiệu sau phải đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị kịp thời:

- Phát hiện thấy hạch ở dưới nách, sờ được khối u ở vú.

- Một bên vú chắc và dày hơn so với bên kia.

- Vùng da vú có dấu hiệu co kéo và lồi lõm bất thường.

- Một bên vú bị sa xệ thấp bất thường so với bên kia.

- Núm vú chảy dịch hoặc chảy máu, đầu vú đau hoặc tụt sâu vào bên trong.

- Da vú thay đổi màu sắc kỳ lạ: Màu đỏ, da cam, có vảy nến, da dầy, da co rút,…

Ngoài các bước tự khám vú tại nhà, phụ nữ từ 30 - 40 tuổi trở lên nên định kỳ khám vú tại các cơ sở chuyên khoa từ 1-3 năm một lần. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cần định kỳ khám mỗi năm 1 lần. Đối với phụ nữ có nguy cơ cao như: Đã từng xạ trị vùng ngực, gia đình có người bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, bản thân bị u vú cần đi khám thường xuyên hơn để được bác sĩ khám phát hiện, điều trị kịp thời.

Theo DSTH. Nguyễn Thị Bé Ba

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>