Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm

11/04/2024 | 07:48 GMT+7

Những tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở tỉnh nằm trong tốp thấp của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, riêng bệnh sốt xuất huyết thấp thứ 3 và tay - chân - miệng thấp thứ 5. Tuy nhiên, theo phân tích của ngành y tế tỉnh, nguy cơ dịch bệnh gia tăng vẫn tiềm ẩn, nhất là mùa mưa sắp tới.

Khi người dân thường xuyên diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, sẽ phòng bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, bệnh do vi-rút Zika.

Nằm trong tốp thấp chưa hẳn đã an toàn

Phân tích về đặc điểm dịch bệnh truyền nhiễm ở tỉnh những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: “Dù tỉnh có số mắc bệnh tay - chân - miệng thấp thứ 5 trong 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nhưng so với cùng kỳ năm 2023 số mắc đã tăng 2 lần với 160 ca bệnh được ghi nhận, nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay tiếp tục là điều kiện thuận lợi để bệnh này phát triển, lây lan. Bệnh sốt xuất huyết giảm sâu trong những tháng đầu năm, nhưng mùa mưa sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho lăng quăng sinh sôi nảy nở, chỉ cần lơ là vài ngày, 1 tuần thì sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh”.

Chung nhận định trên, ông Trương Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhấn mạnh: “Sốt xuất huyết dù ít ca bệnh, nhưng đã xảy ra đến 15 ổ dịch. Xuất hiện các ca bệnh ở ổ dịch năm rồi tại khu vực 4, phường IV, thành phố Vị Thanh, cho thấy nguy cơ tiềm ẩn từ ổ dịch cũ vẫn đáng quan ngại. Bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng từ tháng 6 đến tháng 10, năm 2023 bệnh tay - chân - miệng lại tăng rất cao từ tháng 9 trở về sau. Có những trường hợp trẻ nghỉ học do bệnh tay - chân - miệng nhưng nhà trường không biết”.

Ông Hạnh cũng thông tin những tháng đầu năm nay xuất hiện 1 ca bệnh viêm não Nhật Bản sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh và 1 ca đậu mùa khỉ xâm nhập. Tỉnh Tiền Giang vừa có ca bệnh cúm A/H9, đây là ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam từ trước đến nay. Tỉnh Tiền Giang khá gần với tỉnh ta, với việc đi lại thuận tiện như hiện nay, nguy cơ dịch có thể xâm nhập là không thể lường trước được.

Nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn khác được ngành y tế các địa phương chỉ ra, trong đó đáng quan ngại là thực trạng người dân chưa phối hợp tốt thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường xuyên, nguy cơ ở những công trình đang thực hiện dang dở,… Ông Lê Văn Ni, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Huyện có địa bàn rộng, dân số đông nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân còn hạn chế”.

Nguy cơ dịch bệnh mới xâm nhập vào tỉnh là luôn thường trực vì vậy chủ động phòng dịch là vấn đề cần quan tâm thời điểm này cho đến cuối năm nay.

Không thể “khoán trắng” ngành y tế, phải có sự vào cuộc của người dân

Để chủ động kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, hàng loạt giải pháp đã được ngành y tế đề ra, trong đó trọng tâm là tăng cường hoạt động tuyên truyền, làm sao để người dân tích cực tham gia phòng phòng chống dịch.

Ông Trương Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp giám sát các bệnh mới, nhất là bệnh cúm A/H9, đậu mùa khỉ. Tăng cường giám sát kịp thời, kiểm soát tốt không để dịch bệnh lưu hành ở tỉnh lây lan khi có ca bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực diệt lăng quăng để phòng bệnh hiệu quả. Đối với bệnh tay - chân - miệng, phối hợp với ngành giáo dục để thực hiện các giải pháp tăng cường vệ sinh phòng bệnh đúng cách”.

Từ các địa phương, cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hiệu quả, trong đó xác định trước hết khắc phục những khó khăn, tồn tại. Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, nhấn mạnh: “Trước khó khăn về ý thức nguời dân còn chưa cao, người dân chưa phối hợp tốt khi xử lý ổ dịch, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền tốt hơn”.

Còn ở địa bàn thành phố Vị Thanh, ông Võ Phước Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung giám sát chặt các ổ dịch cũ sốt xuất huyết năm 2023 với 16 ổ dịch, tập trung ở phường I, phường IV. Năm 2024 ổ dịch xuất hiện nhiều ở phường IV, phường VII cũng sẽ ưu tiên cao hơn triển khai phòng, chống dịch ở hai địa bàn này. Kiểm soát tốt môi trường ở các công trình đang thực hiện dang dở để chủ động phòng bệnh”.

Theo kế hoạch, Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng đợt I-2024 sẽ được triển khai trên phạm vi cả tỉnh, thời gian từ 22 đến 25-4. Đây là chiến dịch đầu tiên của năm thường được triển khai trước mùa mưa nhằm thể hiện sự hành động mạnh mẽ, chủ động phòng ngừa trước nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng từ nay đến cuối năm 2024. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, nhấn mạnh: “Dịch bệnh hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát, thực hiện chiến dịch chúng tôi chỉ đạo lấy tuyên truyền là chính. Tuyên truyền để người dân tăng cường vệ sinh phòng bệnh tốt. Mỗi người dành 10-15 phút mỗi ngày, mỗi tuần để thực hiện vệ sinh phòng bệnh bảo vệ an toàn sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Để bảo vệ an toàn sức khỏe nếu có trường hợp mắc bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, nhất là thuốc điều trị các ca bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết chuyển nặng, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị như năm trước.

Những tháng đầu năm nay xuất hiện 1 ca bệnh viêm não Nhật Bản sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh và 1 ca đậu mùa khỉ xâm nhập. Tỉnh Tiền Giang vừa có ca bệnh cúm A/H9, đây là ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam từ trước đến nay. Tỉnh Tiền Giang khá gần với tỉnh ta, với việc đi lại thuận tiện như hiện nay, nguy cơ dịch có thể xâm nhập là không thể lường trước được.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>