Thách thức trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm

25/09/2023 | 09:00 GMT+7

Hoạt động quản lý, chăm sóc, dự phòng bệnh không lây nhiễm được quan tâm thúc đẩy những năm gần đây nhằm khống chế tốc độ gia tăng, giảm tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm ở bệnh nhân. Song, thực tế triển khai còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, sàng lọc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp tại Trạm Y tế xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp.

Quan tâm tầm soát chủ động

Những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang triển khai khám sàng lọc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những giải pháp chủ động phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm cho người dân và quản lý, chăm sóc, hỗ trợ điều trị hiệu quả. Ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Khám tư vấn điều trị dự phòng, phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Chúng tôi sẽ khám, sàng lọc bệnh không lây nhiễm tại 32 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đã thực hiện khám từ giữa tháng 9 đến nay, dự kiến đến ngày 11-10 sẽ kết thúc đợt khám”.

Qua thực tế triển khai khám sàng lọc, đa số người dân quan tâm đến điểm khám để biết được mình có mắc các bệnh không lây nhiễm không? Bà Nguyễn Thị Mới, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi nghe nhiều thông tin về bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, nhưng chưa biết mình có mắc hai bệnh này không, nay được nhân viên y tế mời đến khám sàng lọc nên dành chút thời gian đến khám. Nếu có bệnh phát hiện sớm để điều trị”.

Một số trường hợp vẫn chưa quan tâm đến khám, tầm soát bệnh, cộng tác viên phải tăng cường tuyên truyền, vận động để đạt được mục tiêu đề ra, mỗi xã, phường, thị trấn khám sàng lọc 50 người và đạt 1.600 người cho cả kế hoạch khám tầm soát lần này.

Việc khám, sàng lọc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp chủ động cũng được quan tâm thực hiện hàng năm ở Phòng khám Đa khoa khu vực xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Bà Lê Thị Phúc, Trưởng phòng khám này, cho biết: “Đầu năm, chúng tôi đã tổ chức 1 đợt khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho những người có yếu tố nguy cơ. Mới đây, thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi cũng lồng ghép khám sàng lọc 2 bệnh này, dự kiến cuối năm sẽ triển khai thêm 1 đợt khám, sàng lọc bệnh cho đối tượng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp nhằm tăng cường phát hiện bệnh chủ động, tăng số bệnh nhân mắc bệnh trong cộng đồng được quản lý, chăm sóc. Đối với 2 loại bệnh này đang được quản lý tương đối hiệu quả ở xã”.

Qua các đợt khám, sàng lọc phát hiện sớm người tiền đái tháo đường, đái tháo đường, tăng huyết áp để quản lý tư vấn và điều trị nhằm làm chậm tiến triển đến biến chứng do các bệnh này gây ra.

Khó khăn, thách thức

Một số loại bệnh không lây nhiễm đã được triển khai có hiệu quả bước đầu, như quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường. Đối với những bệnh không lây khác còn rất khó quản lý, nhất là bệnh nhân ung thư. Bà Võ Thị Bé Thủy, Trưởng trạm Y tế xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, bày tỏ: “Bệnh nhân mắc bệnh ung thư thường đi khám ở tuyến trên, các bệnh viện ngoài tỉnh, bệnh nhân và gia đình có tâm lý che giấu bệnh nên nhân viên y tế rất khó tiếp cận nắm được thông tin. Đến khi biết bệnh nhân mắc bệnh đã ở giai đoạn muộn, chưa hỗ trợ, tư vấn chăm sóc được nhiều. Hiện nay, chưa có sự phối hợp, phản hồi các bệnh ung thư từ các bệnh viện tuyến trên về trạm để nắm và quản lý. Nếu việc thông tin, báo cáo đối với bệnh không lây nhiễm được thực hiện giống như hệ thống báo cáo các ca bệnh truyền nhiễm sẽ giúp y tế cơ sở nắm được thông tin, quản lý đầy đủ hơn”.

Tại Phòng khám Đa khoa khu vực thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Đang, Trưởng phòng khám, cho biết: “Việc phát hiện bệnh nhân mới đa số khám thụ động qua khám, chữa bệnh ở phòng khám, hay lồng ghép qua các lần khám sức khỏe người cao tuổi, việc khám chủ động chưa nhiều. Điều kiện khám, chữa bệnh và truyền thông ở phòng khám còn hạn chế ảnh hưởng nhất định đến hoạt động điều trị, tư vấn cho bệnh nhân. Trang thiết bị y tế thiếu và hư hỏng nhiều, trạm chưa có máy đo chức năng hô hấp. Hệ thống loa truyền thông hư hỏng, chỉ có tờ rơi, chưa có tivi để truyền thông đa dạng, sinh động tại cơ sở y tế. Rất mong được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, danh mục thuốc và điều kiện truyền thông để phục vụ tốt nhất các hoạt động khám, chữa bệnh cũng như khám, phát hiện, quản lý, chăm sóc bệnh nhân không lây nhiễm”.

Ngoài những bất cập trong phối hợp thông tin, quản lý, khó khăn về điều kiện trang thiết bị thì nguồn nhân lực thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Khám tư vấn điều trị dự phòng, phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết thêm: “Nhân viên y tế cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều công việc và thường xuyên thay đổi. Hệ thống y tế dự phòng ở tỉnh dù bao phủ rộng khắp ở cơ sở, nhưng trình độ chuyên môn của cán bộ tuyến y tế cơ sở còn hạn chế nên chưa thể phát huy tốt hiệu quả thực hiện chương trình này. Hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm còn khó khăn về kinh phí, việc khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm chưa thường xuyên. Người dân còn thiếu kiến thức, chưa quan tâm phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Quản lý hiệu quả bệnh không lây nhiễm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. Song để đạt được mục tiêu mong muốn cần quan tâm đầu tư nhiều hơn về kinh phí, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn để y tế cơ sở thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc tốt hơn.

Rất cần thông tin đối với bệnh không lây nhiễm được thực hiện giống như hệ thống báo cáo các ca bệnh truyền nhiễm từ tuyến trên

 

“Bệnh nhân mắc bệnh ung thư thường đi khám ở tuyến trên, các bệnh viện ngoài tỉnh, bệnh nhân và gia đình có tâm lý che giấu bệnh nên nhân viên y tế rất khó tiếp cận nắm thông tin. Đến khi biết bệnh nhân mắc bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chưa có sự phối hợp, phản hồi các bệnh ung thư từ các bệnh viện tuyến trên về trạm. Nếu việc thông tin, báo cáo đối với bệnh không lây nhiễm được thực hiện giống như hệ thống báo cáo các ca bệnh truyền nhiễm sẽ giúp y tế cơ sở nắm được thông tin, quản lý đầy đủ hơn”, bà Võ Thị Bé Thủy, Trưởng trạm Y tế xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, bày tỏ.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>