Chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe Nhân dân

22/01/2024 | 07:06 GMT+7

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành y tế tỉnh nhà vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh trong năm qua.

Năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 1,7 triệu lần khám, đạt 125,2% kế hoạch, tăng 25,56% so với cùng kỳ.

Vượt khó khăn, thách thức triển khai nhiệm vụ

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ của tỉnh nói chung và ngành y tế nói riêng. Trong năm, công tác y tế đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước bị ô nhiễm làm cho dịch bệnh dễ phát sinh. Dịch Covid-19 đi qua để lại nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe. Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cũng vì vậy mà tăng cao.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, năm qua, ngành y tế đã quyết tâm vượt khó thực hiện nhiệm vụ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện đạt và vượt 4 chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao là: Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 10,44% (chỉ tiêu giao là dưới 10,45%); số bác sĩ trên 10.000 người dân đạt 9,32 bác sĩ (chỉ tiêu giao là 9,3 bác sĩ); số giường bệnh trên 10.000 người dân là 35,8 giường (chỉ tiêu giao là 35,7 giường.

Năm 2023, tình hình sức khỏe của người dân tiếp tục được cải thiện thông qua các chỉ số sức khỏe cơ bản đều nâng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi. Tỉnh hiện có 100% cơ sở y tế xử lý chất thải rắn y tế đạt chuẩn; 72% xã có bác sĩ định biên. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện chủ động. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, không xuất hiện dịch bệnh mới, không có dịch lớn xảy ra. Hậu Giang có số trường hợp mắc và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân thấp thứ 3 trong 20 tỉnh, thành phía Nam.

Trong năm, ngành y tế đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có 93% người dân đã được lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở khám bệnh công lập đã triển khai tiếp nhận đăng ký khám bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế trực tuyến; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai kê đơn thuốc điện tử;… Từ đó, xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, định dạng dữ liệu đầu ra đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, các chương trình y tế khác đều được thực hiện và đạt kết quả cao, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều chuyển biến tích cực

Là người cao tuổi với nhiều bệnh mãn tính, những năm qua, ông Trần Phát Thanh, ở khu vực 5, phường VII, thành phố Vị Thanh, thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, chữa bệnh. Với tấm thẻ bảo hiểm y tế trong tay, ông được điều trị bệnh với chi phí giảm đáng kể. “Tôi thấy hài lòng với dịch vụ y tế ở đây. Khi đến khám, tôi được hướng dẫn tận tình, có khi lấy thuốc về nhà uống, có khi nằm lại để điều trị. Mỗi đợt như vậy tôi thấy sức khỏe có cải thiện nên khi không khỏe là tôi lên đây khám liền”, ông Thanh chia sẻ.

Nhờ nỗ lực nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân, trong năm qua, từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đã thực hiện được hơn 1,7 triệu lần khám, đạt 125,2% kế hoạch, tăng 25,56% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có trên 118.000 lượt bệnh nhân đã điều trị nội trú, tăng 26,33% so với cùng kỳ. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tỉnh còn tranh thủ các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ,…

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Trong năm, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như nội soi trực tràng, siêu âm mạch máu, siêu âm 3D, điện mãng châm, cấy chỉ,… đã được đơn vị thực hiện tốt, chất lượng chuyên môn cũng từng bước được nâng lên”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành y tế tỉnh còn gặp một số khó khăn, như: nhân lực y tế còn thiếu, mất cân đối về cơ cấu và phân bổ; cơ sở hạ tầng một số đơn vị bị xuống cấp; lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn luôn thường trực trong cộng đồng. Đó là những thách thức đối với ngành y tế tỉnh thời gian tới.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị: “Năm 2024, cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2024 ngay từ đầu năm nhằm thực hiện có hiệu quả, kịp thời và hoàn thành các chỉ tiêu của ngành trong nhiệm kỳ ngay trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất chủ trương đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đảm bảo công tác tiêm chủng mở rộng toàn tỉnh đạt trên 95%. Tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số y tế. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>