Tập trung đầu tư phát triển đô thị

12/11/2019 | 09:42 GMT+7

Hệ thống đô thị của tỉnh Hậu Giang hiện nay đã từng bước thay đổi, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Diên (ảnh), Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang. Ông Diên cho biết:

- Sau 15 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các đô thị của tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đô thị phát triển về số lượng và chất lượng. Diện mạo đô thị Hậu Giang có bước chuyển biến rõ rệt, kiến trúc và cảnh quan được quan tâm đầu tư phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại, các công trình hạ tầng giao thông, công viên... tạo nên những điểm nhấn của một đô thị hiện đại.

Cụ thể, năm 2004 trên địa bàn tỉnh có 9 đô thị, gồm 8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 đô thị, gồm 2 đô thị loại III (thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy), 1 đô thị loại IV (thị xã Long Mỹ) và 13 đô thị loại V (Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Ngã Sáu, Mái Dầm, Cây Dương, Kinh Cùng, Búng Tàu, Phương Bình, Nàng Mau, Cái Tắc, Rạch Gòi, Một Ngàn, Bảy Ngàn).

Một góc nhà ở Khu dân cư đô thị mới Cát Tường ở phường III, thành phố Vị Thanh.

Theo ông, đâu là thế mạnh cho sự phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh ?

- Thế mạnh đầu tiên phải nói đến là hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền để đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần, sức mạnh của Nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện tốt công tác phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và nâng cấp, chỉnh trang đô thị bằng việc huy động nhiều nguồn lực khác nhau, với hàng loạt chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông đã được đầu tư. Nhiều công trình đã và đang hoàn thành đưa vào sử dụng không những mang đến cho Hậu Giang một diện mạo mới mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Những dự án được xem là thay đổi bộ mặt đô thị có thể kể đến như bờ kè kênh xáng Xà No, với chiều dài gần 20km, nằm dọc kênh xáng Xà No qua địa bàn thành phố Vị Thanh và các huyện Vị Thủy, Châu Thành A. Bờ kè không chỉ ngăn chặn sạt lở, mà còn làm đẹp dòng Xà No, tạo vẻ mỹ quan cho đô thị, phục vụ nhiều lợi ích cho Nhân dân địa phương kết hợp với công viên cây xanh tạo sự hài hòa phát triển đô thị với cảnh quan và sông nước.

Thưa ông, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế nào ?

- Hậu Giang là một tỉnh mới phát triển nên các vấn đề khó khăn mà Sở Xây dựng quan tâm đó là hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật một số đô thị chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển đô thị. Còn tồn tại nhiều bất cập trong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như tình trạng các công trình triển khai trước quy hoạch xây dựng khi mới thành lập tỉnh thì hiện nay không còn phù hợp với quy hoạch mới, dẫn đến công tác tổ chức quản lý các công trình hạ tầng chưa thống nhất; sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan, ban, ngành và giữa các chủ đầu tư chưa chặt chẽ và hiệu quả vẫn còn thấp.

Khó khăn thứ hai là nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị. Thời gian vừa qua, các nguồn lực huy động để đầu tư cho kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh còn nhiều khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Nguồn vốn thu hút ngoài ngân sách, các nhà đầu tư lớn để đầu tư cho các dự án về nâng cấp đô thị, chỉnh trang đô thị không nhiều. Vì vậy, các đô thị hiện nay còn thiếu đồng bộ về hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, chưa tương xứng với loại đô thị hiện hữu, làm hạn chế đến quá trình phát triển và nâng cấp đô thị.

Khó khăn thứ ba là thu hút dân cư đô thị. Hiện nay, quy mô dân số ở các đô thị trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ dân số thường trú còn thấp và dân số tạm trú chưa nhiều so với trình độ phát triển của từng đô thị, trong khi tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên lại quá thấp nên một số đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Tăng dân số hiện nay chủ yếu chỉ có thể dựa vào dân số cơ học, các đô thị chưa đủ sức hút mạnh mẽ để phát triển dân số đô thị do quy mô nền kinh tế còn khá nhỏ, điều kiện sinh hoạt hạn chế, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, du lịch và các dịch vụ cho nhu cầu của cư dân đô thị chưa phát triển mạnh… Đây thật sự là bài toán nan giải đối với các đô thị hiện tại và các đô thị dự kiến nâng loại trong tương lai.

Để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển đô thị với việc bảo vệ môi trường bền vững thì ngành xây dựng có những cách làm như thế nào, thưa ông ?

- Để có sự cân bằng giữa phát triển đô thị với bảo vệ môi trường bền vững, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 7/6/2013 về chỉnh trang đô thị theo hướng đô thị xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Qua triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được một số kết quả nhất định, các địa phương xây dựng nhiều tuyến phố văn minh và tuyến đường đẹp, trồng nhiều cây xanh trên các trục đường trong đô thị. Kịp thời thu gom xử lý rác thải, thông thoát cống rãnh, duy tu sửa chữa các tuyến đường, hệ thống chiếu sáng, cáp quang, cải tạo hồ, kênh, mương, quản lý tốt trật tự xây dựng đô thị, giải tỏa hành lang lộ giới nhiều tuyến đường…

Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục rà soát lại các đồ án quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình phát triển đô thị, các hồ sơ khu vực phát triển đô thị. Theo đó, các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái. Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - xã hội, sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Đặc biệt, các đồ án quy hoạch đô thị phải theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững cảnh quan đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước và đảm bảo các khu chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.

Ngoài ra, việc phát triển xây dựng đô thị xanh bền vững không phải chỉ chú trọng đến hệ thống cây xanh đô thị hoặc không gian xanh là đủ mà còn phải lồng ghép phát triển kết hợp nhiều tiêu chí xanh như xây dựng hệ thống giao thông thân thiện với môi trường; phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng, sử dụng các phương tiện giao thông thông minh; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của phương tiện giao thông và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe…

Thưa ông, làm gì để phát triển đô thị đạt về số lượng và chất lượng ?

- Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ mọi mặt về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế,... Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, các đô thị phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại ngày càng nhiều. Tuy nhiên, mạng lưới các đô thị trên địa bàn chưa xứng tầm với vị thế của tỉnh, chất lượng đô thị chưa cao, do đó việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đô thị là điều quan trọng.

Giải pháp đầu tiên là ngoài nguồn lực của Nhà nước thì cần chú trọng, kết hợp kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của Nhân dân vào sự phát triển kết cấu hạ tầng chung của tỉnh. Nên đa dạng hóa, mở rộng các hình thức đầu tư, vận hành, kinh doanh... Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích, hài hòa để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ngoài nguồn lực cần được chú trọng thì công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả tỉnh, đảm bảo liên kết bền vững với các tỉnh, thành trong khu vực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng, then chốt tạo bước đột phá và có tác động lan tỏa lớn để tập trung đầu tư. Tăng cường công tác quản lý, khai thác và sử dụng công trình hiệu quả.

Phát triển một số công trình hạ tầng đô thị lớn, hiện đại về giao thông, cấp điện, cấp nước. Ưu tiên quỹ đất cho xây dưng hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu theo quy định khi triển khai xây dựng các khu đô thị mới. Ngoài ra, cần quan tâm cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến chính, các trục giao thông hướng tâm, các tuyến tránh đô thị, các đường vành đai đô thị phù hợp với quy hoạch chung đô thị. Xây dựng các nhà máy cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn ở các đô thị lớn và các trung tâm xã. Từng bước giải quyết tình trạng úng, ngập cục bộ ở khu vực nội thị…

Xin cảm ơn ông !

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>