Tập trung cao độ giải phóng mặt bằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

19/07/2022 | 18:39 GMT+7

Đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua Hậu Giang có chiều dài khoảng 63km, chiếm tới 58% tổng chiều dài toàn tuyến. Khâu giải phóng mặt bằng được tập trung quyết liệt để khởi công dự án vào cuối năm nay.

Hậu Giang đang khẩn trương kiểm đếm đợt 3, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Khẩn trương kiểm đếm đợt 3

Dự án Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, qua Hậu Giang 63,6km. Diện tích đất bị thu hồi khoảng 445,43ha. 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Châu Thành (8,6km), Phụng Hiệp (17,9km), Vị Thủy (15,5km), Long Mỹ (21,6km).

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng 2 đợt với tổng chiều dài khoảng 47,8/63,6km, bằng 75,16% chiều dài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang với diện tích khoảng 259,57/445,43ha, bằng 58,27% diện tích đất dự kiến thu hồi. Từ ngày 27 đến 30-6, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao xong cọc mốc giải phóng mặt bằng đợt 3 cho 4 địa phương.

Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết: Các tỉnh nhận bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng đợt này gồm Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ với chiều dài 21km. Như vậy, tính đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng đạt 100% toàn tuyến dự án thành đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Cụ thể, trên địa phận tỉnh Cà Mau bàn giao thêm phạm vi các nút giao IC10, IC11, IC12. Địa phận tỉnh Kiên Giang, bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng nút giao IC9. Bàn giao các nút giao IC2 và 6km tuyến nối thuộc phạm vi thành phố Cần Thơ. Riêng tỉnh Hậu Giang, các nút giao IC3, IC4, IC5 và phân đoạn từ km47-km49 đi qua địa bàn huyện Vị Thủy cũng đã được bàn giao.

Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, sau khi Hậu Giang nhận bàn giao xong cọc mốc giải phóng mặt bằng đợt 3, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tiếp tục làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các sở, ngành và đơn vị chủ quản các công trình hạ tầng kỹ thuật họp để thống nhất phương án di dời cho phù hợp với thiết kế đường cao tốc, làm cơ sở để đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự toán kinh phí di dời. Song song đó, đơn vị sẽ khẩn trương triển khai ra dân và tiến hành kiểm đếm.

Quản lý chặt chẽ quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng dự án. Lãnh đạo tỉnh đề nghị sau khi tiếp nhận hồ sơ ranh mốc giải phóng mặt bằng đợt 3, Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện kết hợp các xã khẩn trương đo đạc. UBND cấp huyện quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch của đoạn cao tốc qua Hậu Giang. Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi các đơn vị bị ảnh hưởng phần hạ tầng kỹ thuật, có kế hoạch di dời khẩn trương. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận xác định diện tích đất tại vị trí 4 nút giao cần thu hồi. Tỉnh cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận ưu tiên bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng thực hiện đoạn qua địa phận Hậu Giang.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để thực hiện dự án Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, qua địa phận Hậu Giang rất lớn, khoảng 445ha. Trong đó, có 4 nút giao tại vị trí các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ với số hộ phải di dời, tái định cư rất lớn. Tỉnh đã thống nhất chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư có tổng diện tích 13,1ha với tổng kinh phí đầu tư khoảng 246 tỉ đồng.

Các khu tái định cư hiện nay đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất. Cụ thể, khu tái định cư tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, có diện tích khoảng 3,6ha; kinh phí đầu tư là 53 tỉ đồng. Khu tái định cư tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, có diện tích khoảng 2,4ha, đầu tư với kinh phí 36 tỉ đồng. Khu tái định cư tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, với diện tích khoảng 2,1ha, tổng kinh phí đầu tư là 55 tỉ đồng. Khu tái định cư tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, có diện tích khoảng 5ha, tổng kinh phí đầu tư là 102 tỉ đồng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đo đạc, kiểm đếm, xây dựng các khu tái định cư; phấn đấu đến ngày 31-12 phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng. Các tỉnh, thành phố có dự án thành phần đi qua chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn, Ban quản lý dự án xác định các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án qua địa bàn.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>