Nâng cao hiệu quả kinh tế từ liên kết sản xuất

20/11/2023 | 07:52 GMT+7

Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, giúp nông dân làm giàu bền vững, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành A đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả, quy mô lớn.

Nhiều HTX nông nghiệp của huyện Châu Thành A nâng cao giá trị kinh tế nhờ liên kết sản xuất.

Nâng cao giá trị

Trong những năm gần đây, việc liên kết sản xuất nông nghiệp đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành A, mang lại giá trị kinh tế cao cho cả nông dân và doanh nghiệp. Sự hợp tác này không chỉ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường, phát huy vai trò “cầu nối” của hợp tác xã (HTX), mà còn góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động trong ngành nông nghiệp.

Hiện trên địa bàn huyện có 23 HTX (trong đó có 2 HTX mới thành lập trong năm 2023) và 76 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động. Đến nay, đã có 12 HTX và 50 THT thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các mô hình liên kết mang lại lợi ích lớn cho nông dân và HTX, THT trong việc giảm chi phí, sản xuất trên quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều, canh tác bền vững và thị trường tiêu thụ ổn định.

Một trong những đơn vị đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao tại địa phương này là HTX Phước Lộc, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A. Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX Phước Lộc, cho biết: “HTX đã kết nối với 314 nông dân, sản lượng lúa được 7.000 tấn/năm. HTX đã kết nối với Công ty Sao Mới, ở thành phố Cần Thơ và Công ty Chơn Chín, ở tỉnh Đồng Tháp để thu mua lúa cho nông dân. Tuy giá sản phẩm không cao hơn giá thị trường, nhưng công ty mua không ép giá người dân, mua đúng thời gian theo hợp đồng, tránh gây thất thoát sau thu hoạch, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, từ đó tạo niềm tin cho người nông dân liên kết lâu dài với doanh nghiệp”.

Thúc đẩy chuỗi liên kết

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, việc liên kết phát triển sản xuất sẽ giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm thiểu chi phí đầu vào, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh hơn. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình HTX, THT đang trở thành xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy việc tập trung đất đai, huy động nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác để sản xuất kinh doanh, cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, việc phát triển các chuỗi liên kết cũng gặp không ít khó khăn. Theo đánh giá của địa phương, một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán” nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, không ít HTX chưa có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng hoặc chưa đủ mạnh về nguồn nhân lực, nguồn vốn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, khó tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại…

Để thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới, lãnh đạo huyện Châu Thành A sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, chú ý nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, HTX tập trung đầu tư, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, còn doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định...

Đồng thời, giúp các HTX này tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm. Điển hình hiện nay có HTX chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi với sản phẩm ba ba và cua đinh, thực hiện liên kết với doanh nghiệp, vừa là thành viên vừa là đối tác tiêu thụ đầu ra cho HTX.

Theo đó, nhân rộng mô hình sản xuất vùng lúa chất lượng cao tại HTX nông nghiệp Phước Trung, HTX nông nghiệp Phước Lộc, HTX nông nghiệp Hiếu Lực, hàng năm thực hiện liên kết hầu hết các hộ sản xuất lúa để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. HTX nông nghiệp Mùa Vàng ứng dụng công nghệ sạ lúa, rải phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái.

Một số HTX phát triển sản phẩm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như HTX xoài cát Bảy Ngàn với sản phẩm xoài cát Hậu Giang... Hình thức liên kết với các doanh nghiệp là có hợp đồng ký kết nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra góp phần ổn định được khâu tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết: Huyện đang làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình để giúp người dân liên doanh, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị và bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng bản chất và mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm như: xoài cát, ba ba, cua đinh, sản xuất lúa chất lượng cao... Để liên kết sản xuất đạt được nhiều kết quả tốt hơn, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX bằng nhiều hình thức; phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX, THT tiêu biểu hoạt động có hiệu quả để nhân ra diện rộng. Chú trọng việc nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, để thông qua đó phổ biến những kinh nghiệm, những cách làm hay. Bên cạnh đó, tích cực mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có tiềm năng cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất; thực hiện ký hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị với các HTX tiêu thụ nông sản, cũng như huy động vốn sản xuất kinh doanh cho HTX...

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>