Động lực mới cho thị trường bất động sản

13/07/2023 | 07:53 GMT+7

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia tin rằng thị trường bất động sản ĐBSCL thời gian tới sẽ có nhiều tín hiệu tích cực bắt nguồn từ hiệu quả các chính sách được Chính phủ triển khai và các dự án cao tốc được đầu tư.

Đô thị bên dòng Xà No ngày càng thêm khởi sắc.

Nhiều dư địa phát triển

Từ đầu năm đến nay, phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc giải thể. Sang quý II, thị trường có khởi sắc, các dự án được đưa ra thị trường đều là các dự án có chất lượng tốt, pháp lý đầy đủ, mật độ xây dựng thấp...

Tại ĐBSCL, theo các chuyên gia bất động sản, một trong những điểm nhấn đáng chú ý của thị trường bất động sản nơi đây đó là ít bị tình trạng sốt ảo và ảnh hưởng bởi tình trạng sốt đất. Đơn cử tại Hậu Giang, với lợi thế vị trí địa lý, còn nhiều dư địa, những năm qua, nhiều “ông lớn” trong ngành (Vingroup, DIC, Cát Tường, Hồng Phát, Vạn Phát…) đã chọn nơi đây để triển khai hàng loạt dự án, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Ông Lê Tiến Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh bất động sản Cát Tường Land, cho biết: “Chính quyền Hậu Giang xác định rõ việc phát triển kinh tế dựa trên 4 trụ cột đó là Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị, Du lịch. Tiềm năng bất động sản ở Hậu Giang cực kỳ lớn và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Chúng tôi đã đầu tư 2 dự án Western Pearl 1 và 2 với quy mô hơn 64ha ở trung tâm tỉnh bài bản từ pháp lý, hạ tầng cho đến tiện ích”.

Nói về hướng phát triển của Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Ngành xây dựng đang tập trung quy hoạch các khu đô thị mới để mời gọi đầu tư hạ tầng đô thị. Các dự án tập trung tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A… Các quy hoạch xây dựng khu đô thị mới đều minh bạch, công khai để các nhà đầu tư chọn lựa. Chúng tôi hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục hành chính, cung cấp thông tin nhanh chóng chính xác, thống nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đánh giá: Trong vòng 4 năm tới, khu vực ĐBSCL sẽ có thêm khoảng 554km cao tốc, 4 cầu mới, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ sôi động trong thời gian tới.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lạc quan rằng: Trong quý II/2023 thị trường đã có những khởi sắc mới. Ghi nhận tại một số địa phương đã có một số dự án bất động sản được gỡ vướng, tái khởi động. Đến cuối quý III/2023, khả năng thị trường bất động sản ở các phân khúc bình dân sẽ có dấu hiệu hồi phục.

Vẫn còn điểm nghẽn cần tháo gỡ

Dù được đánh giá ít chịu tác động của những biến động thị trường, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn yếu, thiếu đồng bộ và thiếu tính liên kết đã khiến một số nơi tại ĐBSCL kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam: “Hạ tầng được chú trọng đầu tư sẽ tạo đà tăng trưởng, tăng tỷ lệ đô thị hóa và số lượng các khu kinh tế lớn của vùng. Điều này đồng nghĩa với tăng trưởng việc làm, tăng trưởng dân số và lao động. Những phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản như nhà ở đô thị, bất động sản công nghiệp, du lịch, bán lẻ... chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới ở ĐBSCL”.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng thị trường bất động sản ở ĐBSCL muốn phát triển bền vững phải phát triển dựa trên quy hoạch và chất lượng công tác lập quy hoạch.

“Rút kinh nghiệm từ Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các địa phương ở ĐBSCL, muốn phát triển thị trường bất động sản bền vững cần quan tâm giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp đô thị, cho công nhân lao động và cả người nhập cư. Đồng thời, cần quan tâm cải thiện điều kiện chỗ ở cho người dân nông thôn”, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ.

Để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL hiệu quả hơn, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho rằng: Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế.

Các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng, liên vùng và hạ tầng các đô thị…

Cần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Cân đối nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn. Thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch trong vùng.

Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch, ứng dụng các mô hình thoát nước và xử lý nước thải đô thị và nông thôn phù hợp với khu vực theo định hướng phát triển bền vững. Cùng với đó, nghiên cứu, thực hiện các mô hình và quy trình xử lý chất thải rắn phù hợp với khu vực; thực hiện công tác quy hoạch và quản lý cao độ nền đô thị; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, chống thất thoát, lãng phí…

“Việc phát triển nền kinh tế khu vực ĐBSCL phù hợp với mục tiêu kinh tế, chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng đã được đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02-4-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18-6-2022 của Chính phủ là những nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng rất quan trọng và cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt giữa các cơ quan trung ương, Bộ, ngành và địa phương. Và để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung và hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL nói riêng thì cần sự chung tay của toàn hệ thống, trong đó đặc biệt là cấp chính quyền địa phương”, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.

Tính đến nay, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về xây dựng mạng lưới đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dân số đô thị toàn vùng khoảng 17,5 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình của toàn vùng năm 2022 là 31,8%, thấp hơn so với trung bình của cả nước là 41,7%. Toàn vùng hiện có 211 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương là thành phố Cần Thơ; 2 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là Mỹ Tho và Long Xuyên.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích