Dồn lực thực hiện các tuyến cao tốc để phát triển

12/06/2023 | 18:36 GMT+7

Hậu Giang có 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau và Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Ông Nguyễn Văn Hòa (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa có chia sẻ mới nhất về các khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng các khu tái định cư các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh.

 

Tích cực giải phóng mặt bằng

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang) do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận làm chủ đầu tư và Hậu Giang chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đến thời điểm này, tỉnh đã phê duyệt toàn bộ phương án bồi thường đạt 100% với 2.067 hộ; giao mặt bằng cho Ban QLDA Mỹ Thuận đạt khoảng 98,5%; còn khoảng 1,5%, tương đương 87 hộ. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết tâm đến ngày 30-6 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải bàn giao mặt bằng 100%.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn của tỉnh là 63,7km, số hộ bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong đó, có 10 tổ chức cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, còn 3 tuyến điện trung thế 110kV, 220kV và 500kV, tỉnh đã hoàn chỉnh phương án thiết kế được Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia thẩm tra, góp ý để trình phê duyệt, sớm di dời lưới điện để giao cho chủ đầu tư. Còn tuyến trung, hạ thế và các hạ tầng kỹ thuật khác thì làm tới đâu chúng ta sẽ dời và giao mặt bằng cho đơn vị thi công tới đó để đảm bảo công tác triển khai.

Về xây dựng khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc này, tỉnh xây dựng 4 khu tái định cư trên 4 địa bàn có dự án đi qua. Dự kiến, đến cuối tháng 6 năm nay, địa phương hoàn thành 2 khu tái định cư để bố trí các hộ bị ảnh hưởng và cuối tháng 7 tới sẽ bàn giao tiếp vào 2 khu còn lại. Các hộ dân đã đồng tình, tỉnh cũng đã thực hiện các chính sách, hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư đến khi chúng ta giao nền tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng.

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 với chiều dài gần 36,9km, tỉnh làm cơ quan chủ quản. Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn chỉnh các hồ sơ thiết kế và được Cục Cao tốc thẩm định và hiện hoàn chỉnh hồ sơ để chủ đầu tư phê duyệt dự án này.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tỉnh đã chỉ đạo lập, kiểm đếm xong toàn bộ 1.118 hộ. Hiện nay, đang phê duyệt và đang chi trả cho các hộ dân. Theo chỉ đạo tới ngày 15-6 này phải đạt trên 70% diện tích cần thu hồi để giao mặt bằng triển khai, sớm hơn chỉ đạo của Chính phủ cũng như Nghị quyết của Chính phủ là ngày 30-6. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện 2 khu tái định cư đối với dự án này để phục vụ cho việc thu hồi đất.

Tập trung gỡ khó

Những dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh là dự án trọng điểm quốc gia, có diện tích đất thu hồi và số hộ bị ảnh hưởng lớn. Dự án diễn ra đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với công tác lập dự án đầu tư nên nhiều thủ tục bước đầu còn lúng túng nhưng được sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, cũng như hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, những khó khăn từng bước đã được tháo gỡ.

Tỉnh không có quỹ đất tái định cư sẵn, khi triển khai công tác bồi thường của dự án thì mới bắt đầu thực hiện khu tái định cư. Ngoài ra, khó khăn còn ở nguồn lực về kinh phí để thực hiện. Mặt khác, vì triển khai đồng thời với các dự án trọng điểm trên địa bàn của toàn tỉnh nên phải huy động nhiều nguồn lực để làm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tỷ lệ số hộ còn lại là khoảng 1,5%, tương đương 87 hộ. Do đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, quyết liệt từ đây đến ngày 30-6 phải hoàn thành. Phần lớn những hộ này đang khiếu nại về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tranh chấp quyền sử dụng đất với nhau được tòa án thụ lý đang giải quyết theo quy định...

Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, qua Hậu Giang đang được triển khai thi công.

Kinh nghiệm hay

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, trên cơ sở đó, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban; cấp huyện (do đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy làm Trưởng ban, Phó Bí thư Huyện ủy làm Phó Trưởng ban) và Tổ công tác (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng) chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình trọng điểm của tỉnh…

Xác định đây là 2 dự án trọng điểm quan trọng quốc gia, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho mốc thời gian thực hiện theo chỉ đạo chung, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành có liên quan, kể cả địa phương có dự án đi qua để phối hợp triển khai thực hiện.

Kinh nghiệm của tỉnh là phải tập hợp và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng giữa Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cùng với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia công tác bồi thường từ khâu lập phương án, triển khai, tổ chức thực hiện. Tỉnh ủy ban hành quy chế trong công tác tổ chức triển khai đảm bảo rút ngắn thời gian, trên khuôn khổ theo quy định pháp luật, đáp ứng thời gian giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Chỉ đạo các cơ quan báo, đài thông tin, tuyên truyền thường xuyên về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đi qua địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ hàng tháng, đều có tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, đánh giá những việc làm được, chưa làm được.

Một vấn đề nữa rất quan trọng đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải đối với chủ đầu tư phối hợp với tỉnh từ khâu tiếp nhận giao mặt bằng, kể cả khâu lên phương án tuyến, bình đồ tuyến và xác định cọc giải phóng mặt bằng để ra ngoài thực địa, xác định chính xác khi triển khai tránh chỉnh sửa, mất thời gian.

Vấn đề tiếp theo, tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an theo dõi, nắm tình hình nơi có dự án đi qua đảm bảo tình hình an ninh trật tự để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, thường xuyên xuống kiểm tra thực tế để nắm tình hình, có chỉ đạo tháo gỡ. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi những chính sách chưa phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo tính công bằng trong quá trình tổ chức triển khai để đảm bảo quyền lợi cho người bị ảnh hưởng khi thực hiện thu hồi đất.

Cuối cùng là khi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dụ án, Hậu Giang chủ động đề xuất đưa vào khung chính sách này để xây dựng các khu tái định cư và triển khai đồng thời…

MỘNG TOÀN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>