Phát huy truyền thống tự lực, tự cường trong xây dựng quê hương

27/07/2023 | 08:02 GMT+7

Với tinh thần chủ động và ý thức trách nhiệm, Đảng bộ, quân và dân Phụng Hiệp đã tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát triển huyện với những thành tựu toàn diện và khá quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng.

Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Hiện kinh tế hợp tác của huyện tiếp tục phát triển, có 53 hợp tác xã, 170 tổ kinh tế hợp tác, 14 Câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp; có 4 HTX tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và 10 HTX tham gia Liên hiệp Hợp tác xã tỉnh. Được công nhận 30 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Được cấp 9 giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 305ha; 4 giấy chứng nhận GlobalGAP với diện tích 82ha và 19 mã số vùng trồng với diện tích 303ha.

Tại vùng đất trũng, phèn ở huyện Phụng Hiệp, nhiều hộ dân đã mạnh dạn từ bỏ cây mía để trồng cây khóm MD2. Trong đó, HTX nông nghiệp Bửu Long ở xã Phương Bình, có 43 thành viên, diện tích khoảng 90ha. HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood). Công ty cung ứng giống, phân, thuốc, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch.

Ông Lâm Văn Lam, Giám đốc HTX Bửu Long, cho biết: “Doanh nghiệp bao tiêu thu lại trái và chồi. Năm 2023 này, ký hợp đồng lại với giá phân loại ra chứ không phải mua xô như lúc trước, loại 1 là 5.800 đồng/kg, loại 2 là 5.500 đồng/kg, loại 3 là 2.800 đồng/kg và thu mua cả chồi khóm giống. So với mía thì khóm lợi nhuận cao hơn nhiều. Ngoài ra, lúc nào cũng có cán bộ kỹ thuật công ty xuống hướng dẫn cho bà con và bao tiêu nên ai cũng an tâm canh tác”.

Không chỉ phát triển mạnh về cây khóm mà huyện Phụng Hiệp còn được biết đến là địa phương tiên phong trong việc phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn và làm ăn tập thể, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình canh tác. Điển hình như ở HTX dưa lưới Thuận Phát, ở xã Bình Thành. HTX hiện có khoảng 30 hộ tham gia, diện tích khoảng 4ha, cung cấp mỗi năm cho thị trường từ 250-280 tấn trái.

Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc HTX dưa lưới Thuận Phát, cho biết: HTX trồng 2-3 loại giống, phân chia thời vụ từng hộ hợp lý để đảm bảo có nguồn hàng liên tục cung cấp cho các đầu mối. Trung bình 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn. Ngoài ra, HTX cũng thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản trên trang Nông sản Hậu Giang.

Theo UBND huyện Phụng Hiệp, hiện tổng giá trị sản xuất (so sánh 2010) đạt 3.819 tỉ đồng, đạt 48,91% chỉ tiêu (tăng 3,71% so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.537 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên 680 tỉ đồng, đạt 71,44% chỉ tiêu; tổng chi ngân sách địa phương trên 430 tỉ đồng, đạt trên 45% chỉ tiêu.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp, các ngành trong huyện đã nỗ lực bằng nhiều việc làm thiết thực, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng một cách khá toàn diện. Toàn huyện  hiện có trên 14.000 người có công với cách mạng, trong đó: 3.306 liệt sĩ; 616 bà mẹ được nhà nước phong, truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện còn sống 7 mẹ (7 mẹ đều được các tổ chức, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời); 670  thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 17 bệnh binh; 46 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 665 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trên 6.000 người hoạt động kháng chiến, người hưởng trợ cấp một lần, nhân dân có công giúp đỡ cách mạng; 107 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…

Hàng tháng có gần 2.000 người được hưởng trợ cấp ưu đãi, kinh phí bình quân trên 3,5 tỉ đồng/tháng; có hơn 2.730 đại diện gia đình liệt sĩ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ, số tiền hơn 3,8 tỉ đồng/năm; 100% người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hàng năm nhân dịp lễ, tết tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công, số tiền gần 7 tỉ đồng, công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện thường xuyên; chế độ trợ cấp, bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân được triển khai đầy đủ, kịp thời; thực hiện ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm cho con em người có công; hỗ trợ người có công vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn huyện có 15/15 xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân trong huyện. Đầu năm 2023 đến nay đã vận động ủng hộ gần 1 tỉ đồng để xây dựng và sửa chữa 12 căn nhà tình nghĩa.

Có thể nói, kết quả trên là minh chứng cho sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, những gì huyện đã làm được chỉ mới bù đắp một phần nhỏ so với sự mất mát, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, thời gian tới, các cấp, các ngành, tập trung nhiều hơn nữa trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Phấn đấu không còn hộ chính sách nghèo; tiếp tục vận động xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho người có công; tăng cường công tác quản lý đối tượng, quản lý việc tổ chức thực hiện chế độ chính sách chu đáo, đầy đủ, kịp thời đối với người có công với cách mạng và thân nhân; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”; thực hiện tốt việc chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, mở rộng việc vận động nhận chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Để triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực ưu đãi người có công, tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc người có công với nước, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước…

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>