Mệnh lệnh từ trái tim !

26/07/2023 | 19:20 GMT+7

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đã khẳng định điều này khi nhấn mạnh đến sự tri ân, chăm lo mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công... Mệnh lệnh đó bắt nguồn từ tấm lòng, sự trân trọng đối với hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước cho hòa bình, độc lập và sự phát triển hôm nay !

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tươi, ở ấp 1, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.

Câu chuyện đẹp về đạo lý, tình người

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều người đã mãi mãi nằm lại lòng đất mẹ. Trân trọng và tri ân trước những cống hiến ấy, Hậu Giang đã thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, để ngày qua ngày vết thương chiến tranh được hàn gắn.

Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi đã lớn tuổi và bị bệnh nên việc cất lại căn nhà xuống cấp vượt quá khả năng của gia đình bà Nguyễn Hồng Điệp (con liệt sĩ), ở ấp 5, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Chia sẻ khó khăn với gia đình và thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thành phố vận động hỗ trợ để gia đình xây dựng căn nhà tình nghĩa.

Ngắm nhìn căn nhà mới, bà Điệp xúc động và cảm ơn lãnh đạo thành phố, địa phương quan tâm hỗ trợ gia đình. “Trong chiến tranh, cha tôi tham gia chiến đấu và hy sinh. Những năm qua, gia đình tôi đã được hưởng đầy đủ các chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ, rồi còn được cất nhà tình nghĩa. Những hoạt động chăm lo ấy giúp gia đình chính sách chúng tôi có cuộc sống tốt hơn”, bà Điệp chia sẻ.

Mỗi căn nhà tình nghĩa được xây dựng mới, hoặc sửa chữa là thêm một câu chuyện đẹp về đạo lý, tình người, về mối đoàn kết, về sự sẻ chia sâu nặng nghĩa tình. Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, Hậu Giang đã xây dựng, bàn giao trên 11.000 căn nhà tình nghĩa cho người có công, tổng kinh phí hơn 321,7 tỉ đồng; trong đó nguồn vận động xã hội hóa gần 138,3 tỉ đồng”.

Khi các gia đình “an cư”, thì “lạc nghiệp” tiếp tục là trăn trở, phải làm sao để gia đình chính sách có phương kế sản xuất phù hợp cải thiện cuộc sống. Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách tạo việc làm, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, giúp các gia đình có cuộc sống tốt hơn. 

Ông Nguyễn Văn Viếng, thương binh 1/4 ở ấp 9, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Gia đình đã được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước. Nói thật, nếu không được sự hỗ trợ kịp thời, cuộc sống gia đình tôi chắc còn chật vật lắm”. Ông Viếng bị mất sức 81%, chỉ còn 19% sức khỏe. Vết thương chiến tranh đã làm ông mất bàn tay phải, 2 ngón tay trái nhưng ông luôn cố gắng làm lụng, bởi ông quan niệm rằng chuyện gì người khác làm được, ông cũng sẽ làm được.

Cuộc sống khó khăn, được sự động viên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, năm 2014, ông mạnh dạn vay tiền Nhà nước để trồng cây ăn trái và mua chiếc xe tải để đi mua bán dừa. Nhờ chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình dần cải thiện. Giờ đây, ông đã có cuộc sống ổn định và tích góp mua được 5.200m2 đất ruộng. Cách đây hai năm, ông cải tạo vườn cây ăn trái kém hiệu quả chuyển sang trồng mai. Ông Viếng bộc bạch: “Bác Hồ đã dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi càng quyết tâm phải cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu. Còn sức khỏe là tôi còn lao động, để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương”.

Những chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng lúc đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho nhiều gia đình là hành trình nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền Hậu Giang qua gần 20 năm thành lập tỉnh.

“Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa sâu rộng - Tri ân sâu sắc

Toàn tỉnh có trên 36.200 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Với mục tiêu chăm lo cho gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú, các cấp, các ngành và địa phương đã triển khai thực hiện tốt các chính sách liên quan đến công tác người có công với cách mạng và đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức và hiệu quả.

Theo ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, thành phố đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, thực hiện chi trả chế độ hàng tháng cho người có công đầy đủ, đúng chế độ; quan tâm cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, ưu đãi trong giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm… Những việc làm cụ thể đó đã góp phần chia sẻ, động viên để người có công và gia đình người có công khắc phục những khó khăn tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng và vươn lên trong cuộc sống. Toàn thành phố có 99% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn với mức sống trung bình của dân cư ở nơi cư trú.

Gần 20 năm qua, tỉnh đã xây dựng, bàn giao trên 11.000 căn nhà tình nghĩa.

Công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được coi trọng từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Tết Nguyên đán, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng.

Từ năm 2004 đến cuối năm 2022, đã trao tặng trên 976.400 phần quà đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tiếp nhận 70.766 hồ sơ người có công các loại; xem xét giải quyết đạt 61.276 hồ sơ, còn lại hồ sơ chưa đúng hoặc không đủ điều kiện theo quy định; thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng với 266.738 lượt người...

Chiến tranh qua đi, dù nỗi đau không thể nào nguôi, nhưng với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tư, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết: “Ngày xưa, động viên chồng, con tham gia cách mạng, chỉ mong ngày đất nước sớm im tiếng súng, chồng con lành lặn trở về, chứ đâu ai nghĩ sau này mình sẽ được chế độ, chính sách này kia đâu. Nay được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm chăm lo như thế này là quá tốt rồi”.

Những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện từ tỉnh đến cơ sở mang một nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Thời gian qua, Hậu Giang đã thực hiện tốt các chính sách nhằm tôn vinh và đền đáp những cống hiến, hy sinh của người có công với cách mạng. Cùng với thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Hậu Giang đã ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù. Ngoài các cơ chế, chính sách giảm nghèo chung của tỉnh, mỗi thành viên đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tăng thêm hàng tháng 500.000 đồng; bổ sung đối tượng là người có công với cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp một lần được hỗ trợ vay vốn sản xuất từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Các cấp, các ngành, địa phương còn thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng, chăm lo cuộc sống cho gia đình chính sách ngày một tốt hơn”.

Với sự quan tâm cùng với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang đã góp phần bù đắp những mất mát và cống hiến to lớn của anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng...

Tri ân gia đình chính sách là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự...

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong tỉnh luôn quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước kịp thời, thực hiện đầy đủ các chế độ trong chăm sóc, phụng dưỡng quý mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng... Đây là những việc làm thể hiện trách nhiệm và thắm đượm truyền thống Hậu Giang tình đất, tình người, nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi, trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục tạo sức lan tỏa của Phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”, chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim...

 

Bàn giao trên 11.000 căn nhà tình nghĩa trong gần 20 năm qua

 

Toàn tỉnh có trên 36.200 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.042 mẹ Việt Nam anh hùng, 23 anh hùng lực lượng vũ trang, trên 5.700 thương binh, hơn 12.000 liệt sĩ, trên 7.300 người có công với cách mạng…

Từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, Hậu Giang đã xây dựng, bàn giao trên 11.000 căn nhà tình nghĩa; trao tặng trên 976.400 phần quà đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tiếp nhận 70.766 hồ sơ người có công các loại, xem xét giải quyết đạt 61.276 hồ sơ, còn lại hồ sơ chưa đúng hoặc không đủ điều kiện theo quy định. Thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng với 266.738 lượt người; cấp gần 1 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân của người có công…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>