Mua ve chai làm ăn được khi gần tết

17/01/2024 | 08:47 GMT+7

Những ngày này, khi các gia đình dọn dẹp nhà cửa, bỏ đi những thứ không sử dụng thì cũng là dịp “làm ăn được” của những người thu mua ve chai.

Bà Út sắp xếp lại phế liệu sau khi mua.

Trên chiếc xe đạp cọc cạch, những người làm nghề mua bán ve chai rong ruổi khắp các nẻo đường để mua phế liệu. Tất cả những thứ được xem là bỏ đi như sắt, giấy vụn, chai, vỏ lon bia… đều được quy thành tiền. Các cô chú mua ve chai gấp gáp, hối hả hơn, mong kiếm được thu nhập nhiều hơn để trang trải cho cái tết.

Vừa đẩy chiếc xe về phía trước, ông Nguyễn Đại Quang, ở phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nghề mua ve chai làm quanh năm, song những ngày cuối năm là thời điểm chúng tôi ăn nên làm ra nhất, bởi ai cũng dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng. Mấy ngày này dẫu đi từ sáng sớm đến chiều muộn, đôi chân mỏi nhừ, nhưng chúng tôi vẫn thấy khỏe trong người vì thu mua được nhiều hơn so với ngày thường”. Ông Quang có làm nghề này trên chục năm. Ông bảo rằng những ngày bình thường, có khi đạp xe cả ngày khắp các hang cùng ngõ hẻm cũng chẳng mua được bao nhiêu, còn mấy ngày cuối năm công việc thuận lợi hơn nhiều. “Hôm nay may thiệt, nhờ có mối quen kêu bán đồ phế liệu nên chưa được 9 giờ sáng tôi đã mua đầy xe. Tôi đem đi cân số phế liệu này, rồi tiếp tục đi mua nữa”, ông Quang phấn khởi.

Với mong muốn mua được nhiều hơn, những ngày này chưa được 6 giờ sáng, bà Trần Thị Út, ở phường I, thành phố Vị Thanh, đã ra khỏi nhà bắt đầu hành trình. Cột lại mớ giấy vụn vừa mới mua để chất lên xe, bà Út chia sẻ: “Chuẩn bị đón năm mới, người ta dọn nhà, vệ sinh cơ quan nên có nhiều phế liệu để bán như giấy vụn, sắt, đồ dùng cũ đã hư hỏng. Ve chai chúng tôi cũng thu mua được lượng hàng nhiều hơn thường. Nếu ngày thường chỉ mua 1 xe thì nghỉ, còn những ngày này có thể mua 2-3 xe,có thêm được đồng nào mừng đồng nấy”. 

Theo những người có thâm niên trong nghề mua ve chai, bình thường chỉ kiếm được khoảng vài chục đến trăm nghìn đồng mỗi ngày. Còn dịp tết này thu nhập khá hơn, một ngày kiếm được 150.000-200.000 đồng, thậm chí có ngày có thể lên đến 300.000-400.000 đồng. Tuy nhiên, để có được thu nhập tăng lên như vậy đồng nghĩa với quãng đường phải đi xa hơn, dù có mệt nhưng bù lại sẽ có những “chuyến hàng” đầy ắp.

Đến chiều, tại các địa điểm thu mua phế liệu trên các tuyến đường trở nên nhộn nhịp hơn bởi tiếng nói cười, trò chuyện của những người bạn cùng hành nghề với nhau. Cô chú hỏi thăm nhau hôm nay như thế nào, có mua được nhiều hay không, có mua quần áo mới cho con chưa… Lau vội mồ hôi trên trán, bà Lê Thị Hiếu, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, vui vẻ cho biết: “Không bao lâu nữa là tết, tôi ráng đi nhiều hơn, xa hơn, hy vọng mua được nhiều đồ hơn để có thêm chút đỉnh tiền sắm sửa tết. Hiện nay, tuy giá cả giảm hơn, nhưng nhờ mua được số lượng nhiều, thu nhập khá hơn”.

Nhìn những người đàn ông, phụ nữ luống tuổi rong ruổi đạp xe đến từng ngõ hẻm, con đường mua ve chai, mới thấu hiểu khuất sau những vòng xe ấy là sự hối hả, lo toan cho cuộc sống và tết gần kề. Những xe chở nặng, cồng kềnh nhưng lòng lại thấy nhẹ tênh khi nghĩ tới món tiền lời có được. Từ số tiền này, cô chú sẽ mua cho con bộ quần áo mới, mua bánh mứt cúng ông bà trong mấy ngày tết…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>