Điểm tin sáng 14 – 4: Miền Tây có 4,5 triệu dân số nhi nhưng chỉ có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa nhi

14/04/2024 | 05:39 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Thế giới có vắc-xin viêm màng não mới; Trong nước thiếu nhân công trầm trọng nhưng nhiều lao động Nhật Bản vẫn xuất ngoại tìm việc; Cụ bà 94 tuổi lên kế hoạch chinh phục mọi châu lục; “Vàng”, chú chó bản địa đẹp nhất Việt Nam sắp đi thi quốc tế.

Miền Tây có 4,5 triệu dân số nhi nhưng chỉ có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa nhi

13 tỉnh, thành trong khu vực này có khoảng 18 triệu dân, trong đó dân số nhi là khoảng 4,5 triệu. Trong khi đó, mạng lưới y bác sĩ, bệnh viện về nhi khoa còn quá ít.

Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, 6 bệnh viện sản - nhi và một số khoa nhi ở bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện.

Về lực lượng bác sĩ chuyên khoa nhi còn rất hạn chế, theo thống kê toàn khu vực có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa, con số còn rất hạn chế so với nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu về nhi cho trẻ em khu vực miền Tây Nam Bộ.

“Đồng thời, hiện nay mô hình bệnh tật ở trẻ em rất đa dạng, có sự thay đổi ngày càng phức tạp. Bệnh không lây nhiễm vẫn tồn tại và đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, các bệnh không lây nhiễm ở trẻ đang có xu hướng gia tăng (tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi…) tương tự mô hình ở các nước phát triển.

Đây là thách thức lớn cho đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa nhi trong khu vực - nơi vừa thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vừa thiếu nhân lực chuyên khoa sâu”, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam - PGS.TS Trần Minh Điển cho hay.

Thế giới có vắc-xin viêm màng não mới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 12/4 cho biết Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng Men5CV, một loại vắc-xin "mang tính cách mạng" mới chống lại bệnh viêm màng não.

Theo đó, vắc-xin Men5CV cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước 5 chủng vi khuẩn viêm màng não mô cầu chính chỉ trong một lần tiêm.

Theo WHO, vắc-xin Men5CV cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước 5 chủng vi khuẩn viêm màng não mô cầu chính là A, C, W, Y và X chỉ trong một lần tiêm. Men5CV có khả năng bảo vệ rộng hơn so với các loại vaccine hiện hành đang được sử dụng ở phần lớn các nước châu Phi, vốn chỉ có hiệu quả chống lại chủng A.

Nigeria là một trong 26 quốc gia ở châu Phi có tỷ lệ nhiễm bệnh viêm màng não cao.

WHO đánh giá viêm màng não do vi khuẩn là dạng bệnh nguy hiểm phổ biến nhất. Bệnh sinh ra khi một số loài vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây viêm các mô xung quanh não và tủy sống. Trong năm 2023, số ca viêm màng não được báo cáo ở châu Phi tăng 50% và căn bệnh này có nguy cơ xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại khu vực cận Sahara, nơi được mệnh danh là "vành đai viêm màng não châu Phi".

Trong nước thiếu nhân công trầm trọng nhưng nhiều lao động Nhật Bản vẫn xuất ngoại tìm việc

Trong khi nhiều công ty tại Nhật thiếu nhân lực trầm trọng thì lực lượng lao động trẻ của nước này lại chọn chuyển đến nơi khác làm việc, một trong các nguyên nhân là do mức lương khác biệt rõ rệt.

Úc, Anh, New Zealand và Canada là những thị trường lao động hấp dẫn với người trẻ Nhật nhờ mức lương cao và điều kiện sống tương đối ổn định.

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức lương trung bình hằng năm ở Nhật Bản vào năm 2022 là 41.509 USD, Úc là 59.408 USD và Mỹ là 77.463 USD.

Tình trạng giảm phát tại Nhật Bản mới chấm dứt trong thời gian gần đây, các liên đoàn lao động tại nước này cũng tăng mức lương cao nhất trong vòng 30 năm vào tháng trước. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn nhiều khi so với các nền kinh tế tiên tiến khác.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, số người Nhật thường trú tại nước ngoài vào năm 2023 là nhiều nhất kể từ năm 1989.

Điều này khiến tình trạng thiếu lao động tại Nhật Bản ngày càng trầm trọng hơn. Theo một báo cáo của Teikoku Databank, hơn 2/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Số vụ phá sản do hạn chế về nhân lực tại Nhật cũng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023.

Cụ bà 94 tuổi lên kế hoạch chinh phục mọi châu lục

Cụ bà Joy Ryan, 94 tuổi, người Mỹ vừa công bố quyết tâm đến thăm mọi châu lục trên Trái đất.

Cụ bà Joy và cháu trai 42 tuổi dự định sẽ đi Australia đầu tiên vào cuối năm nay. Sau đó, cụ sẽ sang châu Á.

Cuộc hành trình có thể sẽ kết thúc ở Nam Cực, thử thách lớn nhất của hai bà cháu.

Cụ Joy và cháu trai đã chia sẻ về những chuyến phiêu lưu của mình trên mạng xã hội Instagram, trở nên nổi tiếng và nhận được một số tài trợ để thực hiện các chuyến đi.

Trả lời phỏng vấn báo chí, cụ Joy chia sẻ: "Thời gian của tôi không còn nhiều, nên cần phải làm ngay thôi. Nếu dừng lại thì sẽ không làm được việc gì cả".

Cháu trai cụ cho biết từng chứng kiến bà mình chèo thuyền vượt ghềnh thác ở bang Alaska, Mỹ, khi bà 91 tuổi. Anh nhấn mạnh bà của anh là minh chứng cho một điều rằng ước mơ không hề bị giới hạn bởi tuổi tác.

Chó bản địa đẹp nhất Việt Nam sắp đi thi quốc tế

Vàng, tên chú chó Mông cộc vừa giành giải nhất cuộc thi chó bản địa Việt Nam 2024, sẽ lên đường sang Mỹ thi đấu vào tháng 6.

Ông Nguyễn Trọng Khiêm ở TP Hải Phòng, chủ nhân của Vàng, cho biết sau khi giành giải nhất cuộc thi Vietnam Challenge Dog Show 2024 do Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam tổ chức hôm 6/4, Vàng đang được làm thủ tục để dự Dog Show quốc tế ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên giống chó Mông cộc tham dự cuộc thi. Trước đó Việt Nam có con Đốm và Vện, giống chó Phú Quốc, dự thi.

Vàng là chó đực, thuộc giống Mông cộc đuôi thỏ, sinh ở vùng núi Hà Giang năm 2021. Lúc 10 tháng tuổi, nó được một người chơi tại Hà Nội phát hiện và giới thiệu cho ông Nguyễn Trọng Khiêm. Với khung xương vững chắc và thần thái tươi tỉnh, ngay từ lúc gặp mặt, ông Khiêm nhận định Vàng phù hợp với tiêu chuẩn của chú chó đi show.

Chú chó ba tuổi này được ông Khiêm mua tại Hà Giang khi mới 10 tháng tuổi với giá 9 triệu đồng. Trước đó vào tháng 2, tại một cuộc thi tương tự ở Vũng Tàu, Vàng cũng chiến thắng ở Show chó bản địa Việt Nam.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>